Cổ phiếu ngành thép hút vốn |
Cổ phiếu thép bùng nổ khối lượng giao dịch
Phiên giao dịch ngày 3/8, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.249,76 điểm với 269 mã tăng gấp rưỡi so với phiên sáng, trong đó có 10 mã tăng trần, trong khi số mã giảm chỉ còn 182 mã so với con số 217 mã của phiên sáng, trong đó có 6 mã sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 789,5 triệu đơn vị, giá trị 17.567,8 tỷ đồng.
Sắc xanh tiếp tục chiếm ưu thế trong ngày hôm nay khi thị trường vẫn giữ được phong độ ổn định, mặc dù vậy, cán cân xanh-đỏ đã không còn quá chênh lệch như hai phiên trước đó khi số lượng mã tăng trong phiên hôm nay là 269, trong khi đó số mã giảm là 182, còn lại là 79 mã tham chiếu.
Phiên giao dịch chiều ngày 3/8 là phiên thứ 3 VN-index tăng điểm liên tiếp. Đây là phiên tăng điểm trên diện rộng với nhiều nhóm ngành. Khối ngoại cũng mạnh tay xuống tiền mua mạnh các mã trong nhóm blue-chips trên sàn HoSE.
Các mã cổ phiếu ngành thép có chiều hướng tăng điểm mạnh |
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu thép bùng nổ về khối lượng giao dịch. Trong đó nổi bật là cổ phiếu HPG. Trong buổi sáng, dù giá tham chiếu chỉ có 0,87%, chỉ tăng chậm vào buổi sáng. Đến buổi chiều cổ phiếu này dù có áp lực bán nhưng so sức hút từ dòng tiền cực tốt nên đã tạo được thanh khoản rất cao. Kết thúc phiên giao dịch buổi chiều, cổ phiếu HPG tăng 3,71% so với tham chiếu.
Chỉ tính riêng buổi chiều, HPG giao dịch 978,9 tỷ đồng, thanh khoản cả ngày là 1.375,6 tỷ đồng với 58,85 triệu cổ phiếu được giao dịch. Đây là mức thanh khoản tốt nhất trong khoảng 5 tháng gần đây.
Đặc biệt, khối ngoại cũng mua ròng rất lớn cổ phiếu HPG. Buổi sáng mua ròng 40,8 tỷ đồng, buổi chiều tiếp tục mua ròng, kết phiên tăng vọt lên 174,2 tỷ đồng. Quy mô từ tài khoản ngoại chiếm 13,4% tổng giao dịch của mã này.
Có thể thấy, chỉ trong vòng 1 tuần trở lại đây, cổ phiếu HPG đã có 2 phiên tăng giá “bùng nổ”, phiên 1/8 tăng 6,05% và phiên 3/8 tăng 3,71%. Như vậy, chỉ trong vòng 3 ngày, cổ phiếu này đã tăng hơn 10%.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều cổ phiếu thép khác nhỏ hơn HPG cũng tăng giá mạnh. Cụ thể là HSG đã tăng mạnh lên 5,19% trong phiên giao dịch buổi sáng và tăng kịch trần trong phiên giao dịch buổi chiều. NKG cũng tăng mạnh, kết phiên buổi sáng tăng 3,62%, kết phiên buổi chiều cũng tăng kịch trần. TLH cũng tăng 5,92%, suýt chút nữa cũng có thể đóng cửa trong sắc tím. Ngoài ra, các cổ phiếu nhỏ hơn nữa của nhóm ngành này cũng tăng cực mạnh như: SMC tăng 5%, TVN tăng 8,3%, TNS tăng 10,87%, TDS tăng 4.0%, POM tăng 1%...
Trong Top 10 cổ phiếu thanh khoản cao nhất toàn thị trường hôm nay thì có mặt HPG, NKG và HSG. Trong số đó HPG có lượng thanh khoản lớn nhất.
Kỳ vọng chu kỳ tăng giá mới
Có thể thấy, trong suốt năm 2021, cổ phiếu thép tăng bằng lần nhờ hưởng lợi từ vấn đề địa chính trị, nhiều doanh nghiệp thép trong nước được hưởng lợi nhờ giá thép tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp trong nhóm này có kết quả kinh doanh ấn tượng.
Đến đầu năm 2022, sau khi giá thép đã vượt đỉnh và bước vào chu kỳ giá giảm mạnh nhiều cổ phiếu đã rớt thảm hại. Nhóm cổ phiếu thép đã bước vào chu kỳ “lao dốc” khiến cho nhiều nhà đầu tư thua lỗ trầm trọng.
Mới đây, các doanh nghiệp trong nhóm này đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 không mấy khả quan. Theo đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp thép như Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG), Công ty Cổ phần (CTCP) Đầu tư Thương mại SMC (SMC), CTCP Gang thép Thái Nguyên (TIS)... đều có kết quả kinh doanh quý II sa sút.
Cổ phiếu ngành thép đang có sức hấp dẫn nhiều nhà đầu tư |
Cụ thể, HPG là doanh nghiệp thép đầu ngành nhưng báo doanh thu quý 2 đạt 37.714 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế (LNST) chỉ đạt 4.023 tỷ đồng, giảm hơn 58,7% so với cùng kỳ.
HSG có doanh thu thuần đạt 12.177 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ và LNST của giảm tới 84% so với cùng kỳ năm 2021, còn 265 tỷ đồng.
Trong khi đó, NKG với doanh thu thuần quý 2 đạt 7.196 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,7% so với quý 2/2021 nhưng LNST sụt giảm hơn 76% so với cùng kỳ xuống 201 tỷ đồng.
SMC ghi nhận doanh thu đạt 6.620 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng LNST chỉ đạt 42,5 tỷ đồng, giảm 91,9% so với cùng kỳ.
Tương tự, TIS cũng công bố doanh thu quý 2 đạt 3.190 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021và LNST chỉ xấp xỉ 6 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, hàng loạt các công ty thép khác cũng có kết quả kinh doanh kém sắc trong quý II/2022. Cụ thể như CTCP Thép Mê Lin (MEL) có doanh thu giảm 23% so với cùng kỳ, đạt hơn 162 tỷ đồng và LNST giảm mạnh 93% xuống chỉ còn gần 1,7 tỷ đồng. CTCP Gang thép Cao Bằng (CBI) có LNST giảm tới 88% còn 17,7 tỷ đồng. CTCP Thép tấm lá Thống Nhất (mã TNS) có LNST chỉ đạt 3,8 tỷ đồng, giảm hơn 65% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, còn có doanh nghiệp thép tăng trưởng âm. Cụ thể, CTCP Thép Thủ Đức – Vnsteel (TDS) có doanh thu thuần đạt 358 tỷ đồng, giảm 45,4% so với cùng kỳ và LNST âm gần 2 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 34 tỷ đồng); CTCP Thép Pomina (POM) báo lỗ sau thuế 62,25 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) có lợi nhuận sụt giảm hơn một nửa so với cùng kỳ.
Có thể thấy, kể từ đầu năm 2022 tới nay, nhóm cổ phiếu ngành thép dù có những nhịp phục hồi tuy nhiên cũng chỉ “nhích” lên đoạn ngắn, sau đó lại tiếp tục đà giảm, thậm chí quay về mức giá cuối năm 2020. Tuy nhiên, khi hàng loạt các thông tin về kết quả kinh doanh tồi tệ được công bố thì giá cổ phiếu này có sự tăng giá “bùng nổ”. Một số nhà đầu tư cho rằng, hầu hết kết quả kinh doanh thua lỗ đã được dự báo trước và đã phản ánh vào giá. Theo đó, giá nhóm ngành thép đã giảm sâu nên nhiều người kỳ vọng về chu kỳ mới của các cổ phiếu nhóm này.