Hải Phòng: Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường FTA
Tiềm năng xuất khẩu nhiều ngành hàng
Việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế của thành phố Hải Phòng. Thị trường xuất khẩu hàng hóa của thành phố ngày càng được mở rộng, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp sang các thị trường của 3 FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA và UKVFTA ngày càng tăng.
Số liệu từ Sở Công Thương Hải Phòng cho thấy, trong 11 tháng năm 2023, các chỉ tiêu kinh tế cơ bản của thành phố đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, bao gồm chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 13,07%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 5,53%; sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 150,19 triệu tấn, tăng 0,6%; thu hút đầu tư nước ngoài FDI ước đạt gần 3,26 tỷ USD.
Việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế của TP. Hải Phòng |
Tính riêng năm 2022, doanh thu ngành dệt may, da giày đạt 2,5 tỷ USD, xuất khẩu đạt 1,55 tỷ USD, nộp ngân sách 161 tỷ đồng; các dự án tiêu biểu ngành dệt may, da giày: Regina Miracle (1 tỷ USD), Maple (120 triệu USD), Oasis (30,6 triệu USD)…
Với vai trò là cơ quan đầu mối thực thi các FTA, thời gian qua, Sở Công Thương Hải Phòng đã phối hợp thông tin tại hơn 50 hội nghị trực tuyến về xuất xứ hàng hóa, các cam kết về thuế quan, lộ trình mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại, nhất là những nghĩa vụ của Việt Nam theo cam kết của Hiệp định EVFTA, CPTPP, UKVFTA...; phối hợp tổ chức Chương trình kết nối Hải Phòng - Hồng Kông (Trung Quốc) góp phần hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy xúc tiến thương mại 50 doanh nghiệp trên địa bàn với 60 doanh nghiệp phía Hồng Kông trên nhiều lĩnh vực như: Logistics, dệt may, nông sản… Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Công Thương cấp hơn 30.475 bộ mẫu chứng nhận xuất xứ (C/O), tăng hơn 107% so với cùng kỳ năm 2022.
Việc thực thi các FTA đã và đang mang lại những tác động tích cực cho các doanh nghiệp tại Hải Phòng. Từ hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thông qua các hoạt động giao thương, kết nối đã góp phần thúc đẩy nhận thức của các doanh nghiệp, bước đầu cùng chung tay, khai thác thế mạnh của nhau, cùng tạo nên những sản phẩm chất lượng, uy tín để xây dựng thương hiệu ngành hàng lớn mạnh, chiếm lĩnh thị trường nội địa và đủ sức cạnh tranh ở thị trường quốc tế.
Việc thực thi các FTA đã và đang mang lại những tác động tích cực cho các doanh nghiệp tại Hải Phòng |
Tiêu biểu, Công ty TNHH Jasan Việt Nam - đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm dệt như tất, sợi,... có trụ sở tại Hải Phòng cho biết, hàng hóa của công ty khi nhập khẩu vào các nước thành viên của hiệp định đều được hưởng ưu đãi thuế do Việt Nam tham gia vào các FTA, từ đó tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Hiện sản phẩm của công ty đã có mặt ở hầu hết các thị trường lớn trên thế giới.
Tích cực kết nối doanh nghiệp với các thị trường FTA
Mặc dù đạt những kết quả nhất định song, tỷ trọng xuất khẩu các thị trường FTA vẫn còn thấp so với tiềm năng. Ngành công nghiệp phụ trợ của thành phố chưa phát triển, nhập khẩu bị phụ thuộc nhiều vào các nước quốc tế. Tỷ lệ cung ứng nguyên liệu trong nước của một số ngành công nghiệp như dệt may và da giày là khoảng 30%...
Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của thành phố sang các thị trường đã ký FTA vẫn tập trung chủ yếu vào các mặt hàng điện tử, máy móc thiết bị, các mặt hàng công nghiệp sử dụng nhiều lao động (dệt may, da giày). Đặc biệt, hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là gia công, chiếm đến trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố đều từ các doanh nghiệp FDI, sản xuất và xuất khẩu theo chỉ định của các công ty mẹ, dẫn đến phụ thuộc và không đa dạng hàng hóa, thị trường.
Dây chuyền sản xuất, lắp ráp linh kiện cho bếp gas của Công ty TNHH Paloma Việt Nam (vốn đầu tư của Nhật Bản) tại khu công nghiệp, đô thị VSIP Hải Phòng |
Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả các hiệp định FTA, Sở Công Thương Hải Phòng nêu rõ, doanh nghiệp cần chủ động thực hiện đồng bộ một số giải pháp, như: Tích cực tìm hiểu FTA, thông qua việc tham gia các chương trình phổ biến, hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn về FTA do Bộ Công Thương và các đơn vị phối hợp tổ chức; tra cứu tài liệu, thông tin cập nhật về FTA, cơ hội thị trường; chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản.
Sở Công Thương Hải Phòng cho biết, đơn vị này sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về quy tắc xuất xứ tại các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, tập trung vào các ngành hàng mà doanh nghiệp Hải Phòng có thế mạnh, tăng tính bền vững trong phát triển, không chỉ trong phát triển thị trường mà còn định hình khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu.
Đơn vị này cũng dự kiến phối hợp với các đơn vị có chức năng tổ chức các khóa đào tạo, cấp chứng chỉ cho doanh nghiệp về tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đáp ứng điều kiện quy định về tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hiện nay tại TP. Hải Phòng. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp thông tin tại các hội nghị trực tuyến về xuất xứ hàng hóa, các cam kết về thuế quan, lộ trình mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại, nhất là những nghĩa vụ của Việt Nam theo cam kết của Hiệp định EVFTA, CPTPP, UKVFTA...