Thứ hai 23/12/2024 07:20

Hải Phòng đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu

TP. Hải Phòng vừa tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với hàng trăm doanh nghiệp xuất nhập khẩu để lắng nghe các ý kiến, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ngày 25/5, UBND TP. Hải Phòng tổ chức Hội nghị TP. Hải Phòng với cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu - Chung tay đồng hành phục hồi kinh tế, hướng tới phát triển bền vững. Hội nghị được tổ chức trực tiếp với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố.

Đối tác tin cậy, luôn đồng hành với DN

Phát biểu khai mạc hội nghị ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hải Phòng, cho biết: Thời gian qua, dù phải chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tuy nhiên nhờ các giải pháp quyết liệt, kịp thời nên thành phố đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch bệnh vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế.

Ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hải Phòng phát biểu khai mạc hội nghị

TP. Hải Phòng đã đạt được những kết quả nổi bật và toàn diện như: Mọi lĩnh vực tiếp tục trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, xã hội của cả nước. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2021 tăng 12,38% - là mức tăng cao nhất và gấp 4,8 lần bình quân chung của cả nước. Quý I/2022, GRDP tăng 10,04% so với cùng kỳ, gấp hai lần bình quân chung của cả nước. Sản lượng hàng hóa qua cảng năm 2021 đạt 151 triệu tấn; 4 tháng đầu năm 2022 đạt 43,7 triệu tấn, tăng 8,09% so với cùng kỳ.

Năm 2021, Hải Phòng là địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đạt 5,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, Năm 2021, Hải Phòng đứng vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tăng 5 bậc so với năm 2020.

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hải Phòng, có được thành tựu, kết quả nêu trên là nhờ sự đóng góp quan trọng của cộng đồng DN, trong đó có các DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Thành phố xác định rõ vai trò quan trọng của DN trong phát triển kinh tế, xã hội nên đã nỗ lực thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh…

“TP. Hải phòng đã xác định rõ mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho DN và người dân, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19; kịp thời hỗ trợ người dân, DN phục hồi sản xuất, kinh doanh thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh” - ông Lê Anh Quân nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hải Phòng cũng cho biết, thời gian qua do tác động của dịch Covid-19 nên việc tổ chức các hội nghị, gặp gỡ, đối thoại với DN của thành phố gặp nhiều hạn chế. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị gặp gỡ, các cuộc họp nhằm giải quyết các khó khăn cho DN, trong đó chú trọng tổ chức các hội nghị chuyên đề theo từng lĩnh vực, ngành nghề.

“Hôm nay chúng tôi tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại đầu tiên cho cộng đồng DN xuất nhập khẩu. Thành phố mong muốn nhận được các ý kiến tham gia đóng góp, đề xuất, kiến nghị của các hiệp hội, DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, kinh doanh kho bãi, cung ứng dịch vụ logistics và các hãng tàu để thành phố có thể chung tay, cùng đồng hành với DN phục hồi, phát triển kinh tế, hướng tới sự phát triển bền vững” - ông Lê Anh Quân nói.

TP. Hải Phòng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các DN xuất nhập khẩu

Triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các DN xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hải Phòng, cho biết, trong nhiều năm qua, Cục Hải quan TP. Hải Phòng luôn là điểm sáng của ngành trong công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan; với nhiều đề án quan trọng như: Triển khai thí điểm thành công Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS năm 2014; hay việc triển khai chính thức “Hệ thống quản lý, giám sát Hải quan tự động - VASSCM” từ ngày 15/8/2017.

“Với Hệ thống VASSCM, hồ sơ, thủ tục để đưa hàng ra khỏi kho bãi cảng đơn giản, nhanh chóng hơn; giảm thời gian đi lại làm thủ tục của DN xuất nhập khẩu. Thời gian làm thủ tục lấy hàng giảm từ 5-7 phút xuống còn 1-2 phút đối với 01 lô hàng thông thường; thời gian bình quân cho một lượt xe chở hàng qua khu vực cảng giảm từ 25-30 phút xuống còn 10-12 phút so với trước đây. Như vậy, với bình quân 2 triệu tờ khai mỗi năm, ước tính hệ thống đã giúp tiết kiệm cho DN hơn 650 nghìn giờ công mỗi năm” - ông Nguyễn Duy Ngọc thông tin.

Cũng theo Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hải Phòng, trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Hải quan thành phố đã triển khai có hiệu quả các giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo thông quan nhanh chóng, thông suốt, không để gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa; chủ động kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các quy định phù hợp với tình hình thực tế nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh.

“Cục Hải quan thành phố đã đề xuất, kiến nghị Tổng cục Hải quan giải pháp cho phép DN chế xuất được thuê các kho ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp để lưu giữ nguyên liệu, thành phẩm của DN nhằm sẵn sàng ứng phó với trường hợp đứt gẫy chuỗi cung ứng nguyên liệu từ các nhà cung cấp nước ngoài và giải quyết vấn đề thiếu hụt kho lưu giữ sản phẩm tồn trong bối cảnh xuất khẩu hàng hoá gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh” - ông Nguyễn Duy Ngọc chia sẻ

Cục Hải quan TP. Hải Phòng đã đưa quan hệ đối tác Hải quan - DN ngày càng đi vào thực chất

Bên cạnh đó, Cục Hải quan TP. Hải Phòng đã tăng cường công tác cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; triệt để thực hiện việc tiếp nhận chứng từ điện tử qua Hệ thống thông tin nghiệp vụ Hải quan; triển khai có hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao nhất; áp dụng quản lý rủi ro trong tất cả các khâu nghiệp vụ và sử dụng hiệu quả trang thiết bị hiện đại theo chuẩn mực Hải quan thế giới như Hệ thống máy soi container... nhằm giảm tỷ lệ kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa.

Cụ thể, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng đã giảm từ 7,5% (năm 2015) xuống còn dưới 4% (tháng 4/2022), góp phần rút ngắn thời gian thông quan, và giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý là việc Cục Hải quan TP. Hải Phòng đã đưa quan hệ đối tác Hải quan - DN ngày càng đi vào thực chất với việc triển khai ký kết Bản thỏa thuận quan hệ đối tác Hải quan - DN với hơn 23.050 DN.

“Sau hơn 4 năm triển khai ký kết Bản thỏa thuận, bằng các giải pháp thiết thực, Cục Hải quan TP. Hải Phòng đã làm thay đổi toàn diện nhận thức của toàn thể cán bộ, công chức thuộc Cục về mối quan hệ giữa cơ quan Hải quan và cộng đồng DN, từ “đối tượng quản lý” thành “đối tác”, đưa nội dung “lấy DN làm trung tâm để phục vụ” trở thành ý thức thường trực của từng cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; từng bước nâng cao mức độ hài lòng của DN với chất lượng phục vụ của cơ quan Hải quan” - ông Nguyễn Duy Ngọc nói.

200 ý kiến, kiến nghị

Tại hội nghị, các DN xuất nhập khẩu trên địa bàn TP. Hải Phòng đã đóng góp nhiều ý kiến vướng mắc xoay quanh vấn đề về cảng biển, kho bãi, dịch vụ logistics, nguồn nhân lực, chính sách đối với công nhân lao động…

Cụ thể, ông Nguyễn Trí Cường, phụ trách khai thác của hãng tàu Evergreen Việt Nam tại TP. Hải Phòng, kiến nghị: “Để tạo điều kiện hơn nữa cho các hoạt động logistics, thành phố cần quan tâm hơn nữa đến việc duy tu, nâng cấp, nạo vét luồng hàng hải Hải Phòng để độ sâu của luồng hàng hải vào các bến sâu hơn, ổn định hơn. Để từ đó, không chỉ đơn vị chúng tôi, mà các hãng tàu nói chung, cả tàu container và tàu rời có thể triển khai các tàu cỡ lớn, vận chuyển được nhiều hàng hóa hơn, mang đến dịch vụ tốt hơn cho các DN xuất nhập khẩu”.

Ông Nguyễn Trí Cường, phụ trách khai thác của hãng tàu Evergreen Việt Nam tại TP. Hải Phòng nêu kiến nghị tại hội nghị

Kiến nghị về việc mở rộng phạm vi địa điểm thuê kho của các DN, ông Nguyễn Thế Hoạt, đại diện Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng cho biết, hiện nay, các công ty sản xuất có nhu cầu lớn về thuê kho bên ngoài để tận dụng diện tích nhà xưởng phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, DN chế xuất chỉ được thuê kho trong các khu công nghiệp, điều này dẫn đến chi phí thuê kho cao.

Bộ Tài chính cũng đang xem xét sửa đổi bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC. “Rất mong thành phố khi đóng góp ý kiến ​​cho dự thảo sửa đổi này đề nghị mở rộng phạm vi địa điểm thuê kho của DN chế xuất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí thuê kho” - ông Nguyễn Thế Hoạt kiến nghị.

Ngoài ra, đại diện Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng cũng kiến nghị về việc nâng cao quản lý nhà nước về hoạt động vận tải quốc tế. Nguyên do, trong thời gian gần đây các DN đang gặp rất nhiều khó khăn, tàu chậm lịch trình, cắt bỏ tuyến thường xuyên làm mất cân bằng cung cầu vận chuyển, đẩy giá cước và hàng loạt chi phí cao, tạo ra gánh nặng cho các DN. “Đề nghị thành phố xem xét và có hướng đề xuất các Bộ ngành liên quan để đưa ra các biện pháp kiểm soát của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực này” - ông Nguyễn Thế Hoạt nói.

Là DN có 100% vốn đầu tư từ Trung Quốc, ông Wu YuGan, Tổng giám đốc Công ty TNHH FLAT Việt Nam lại có kiến nghị về việc cập nhật tình hình xuất khẩu qua biên giới với Trung Quốc. Theo ông Wu YuGan, với chính sách Zero Covid của Trung Quốc, khi mở cửa hoặc đóng cửa biên giới ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ, khả năng xuất khẩu của các DN dù là hàng chính ngạch hay hàng tiểu ngạch. Tuy nhiên, các thông tin về tình hình biên giới DN lại chưa được cập nhật, cảnh báo thường xuyên. Chính vì thế, kế hoạch xuất hàng của DN bị chậm, không đúng tiến độ, ảnh hưởng đến công việc thanh toán và chi phí lưu kho bãi, vận chuyển…

“Chúng tôi mong muốn có kênh thông tin từ các ban ngành thành phố cảnh báo sớm để DN nắm được thông tin và đưa ra các kế hoạch sản xuất, phù hợp xuất khẩu với các tình huống xấu nhất xuất hiện tại biên giới” - ông Wu YuGan kiến nghị.

Bên cạnh đó, đại diện FLAT Việt Nam cũng chia sẻ về việc DN gặp khó trong khâu tuyển dụng nhân sự có chuyên môn cao như: Văn phòng, kỹ thuật có thể sử dụng thành thạo tiếng Trung Quốc. DN kiến nghị thành phố có kênh kết nối thông tin giữa người lao động và DN. Bên cạnh đó, thành phố, Sở Lao động, Sở Giáo dục và đào tạo có định hướng trong công tác đào tạo nghề, đào tạo nhân lực để cung cấp cho thị trường lao động những lao động có chất lượng cao…

Theo lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hải Phòng, để ghi nhận các vướng mắc, kiến nghị của cộng đồng DN đối với các nội dung có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, đơn vị đã gửi phiếu thu thập thông tin tới 540 DN. Trên cơ sở kết quả tổng hợp, phân loại đối với 200 kiến nghị, liên quan tới 35 nội dung; ngoài các ý kiến được trả lời trực tiếp tại hội nghị, Cục đã gửi đến các sở, ban, ngành có liên quan để cùng phối hợp nghiên cứu và tiến hành giải đáp cho các DN.

Hoàng Lan
Bài viết cùng chủ đề: Xuất nhập khẩu

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc: Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Phê chuẩn kết quả bầu ông Dương Minh Dũng làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận bắn pháo hoa đón năm mới ở đâu?

Tuyên Quang: Đảm bảo an ninh trật tự, kinh doanh hàng hoá dịp cuối năm

Đà Nẵng: Thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cao nhất 700 triệu đồng

Bắc Ninh bảo đảm cung cấp hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Quảng Ninh: Đào móng nhà, phát hiện quả bom nặng gần 230 kg tại Hạ Long

Tuyên Quang: Quyết liệt khắc phục những nội dung theo kết luận thanh tra ở Lâm Bình

Năm 2025, Nam Định đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10%

Chợ An Đông - 'thủ phủ' thời trang tại TP. Hồ Chí Minh vắng khách dịp cuối năm

Hơn 14.000 người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động tại Bắc Ninh

Ông Dương Minh Dũng - Bí thư Huyện ủy Long Thành được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Đồng Tháp thực hiện nghị quyết 18, tinh giản hàng nghìn cán bộ

Vĩnh Phúc: Giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt khoảng 96%

Vĩnh Phúc trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án FDI và 1 dự án DDI

Tỉnh Lạng Sơn kiện toàn chức danh Ủy viên Ủy ban nhân dân

Nam Định: 11 tháng, vốn đăng ký của doanh nghiệp gấp 2,8 lần

Chi tiết 3 bệnh viện đa khoa, vốn đầu tư 5.600 tỷ đồng sắp vận hành ở TP. Hồ Chí Minh

Bắc Ninh: Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 ước tăng 5,7%

Nhân sự địa phương: Tỉnh ủy Thái Bình, Hưng Yên, Tuyên Quang, Quảng Nam, Phú Thọ thực hiện công tác nhân sự