Hải Phòng cần thống nhất chính sách quản lý về an toàn thực phẩm
Việc quản lý chất lượng, nguồn gốc hàng hóa tại các chợ truyền thống khá khó khăn, phức tạp |
Theo thông tin từ Sở Y tế, hiện tại nguồn thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể, các cơ sở chuyên sản xuất suất ăn công nghiệp trên địa bàn Hải Phòng vẫn chủ yếu được thu mua tại các chợ dân sinh, các chợ đầu mối, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, nơi việc quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, rau quả về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn bất cập, nhiều loại thực phẩm, rau quả được đổ ngay trên nền nhà, nền chợ, mất vệ sinh. Mặc dù cơ quan quản lý vẫn thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra nhưng cũng khó có thể kiểm soát hết, nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn luôn tiềm ẩn và có thể bột phát bất cứ lúc nào.
Đại diện Sở Y tế cho biết, theo quy định hiện hành Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN & PTNT) đối với thực phẩm tươi sống trong nước và nhập khẩu cần được quản lý xuyên suốt từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Các thực phẩm khác thì chỉ quản lý ở khâu sản xuất thực phẩm ban đầu và sơ chế. Bộ Y tế quản lý thực phẩm nhập khẩu trừ thực phẩm tươi sống (do Bộ NN&PTNT quản lý), Bộ Công Thương phối hợp hai Bộ trên để thanh tra, kiểm tra thực phẩm lưu thông trên thị trường. Như vậy, về cơ bản là có tới 3 Bộ cùng quản lý mảng vệ sinh an toàn thực phẩm, điều này trên thực tế cũng gây chồng chéo, việc kết luận trách nhiệm cuối cùng rất khó xác định, tạo ra sự chủ quan trong công tác quản lý giữa các ngành.
Đối với hàng hóa thực phẩm nhập khẩu, cơ quan hải quan căn cứ kết quả kiểm tra chuyên ngành để thông quan. Tuy nhiên, thực tế hiện có không dưới 150 thông tư của các Bộ hướng dẫn kiểm tra chuyên ngành thực phẩm, quy định về chất cấm giữa các ngành cũng khác nhau, mỗi Bộ quy định danh mục hàng hóa phải kiểm tra, trình tự và thủ tục kiểm tra khác nhau, một số không còn phù hợp thực tiễn, nhưng rất chậm được rà soát, bổ sung, sửa đổi, điều này cũng gây chồng chéo phức tạp cho các doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý khi áp dụng vào thực tế thông quan hàng hóa, thậm chí đã dẫn tới tranh chấp không đáng có giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp, đồng thời cũng dễ bỏ sót mặt hàng cần kiểm tra.
Theo đại diện Cục Hải quan Hải Phòng, hiện tại quy định cho phép người nhập khẩu được mang hàng về bảo quản tại kho, sau đó mới hoàn tất các thủ tục kiểm tra chuyên ngành cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ, nên không loại trừ trường hợp doanh nghiệp tự ý bán hàng trước khi thông quan. Mặc dù hành vi này nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt rất nặng, nhưng với số lượng doanh nghiệp nhập khẩu rất lớn, hệ thống kho của doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng phân tán rộng, các cơ quan quản lý khó có thể kiểm soát được toàn bộ, nguy cơ hàng hóa kém chất lượng lọt ra thị trường là khó tránh khỏi.
Để giải quyết tình trạng này cần có sự rà soát lại luật và các quy định, kịp thời sửa đổi cho phù hợp với thực tế. Đồng thời, với các thành phố trực thuộc Trung ương, cần có cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm.