Hà Tĩnh: Chủ động di dân, không để thiệt hại về người do bão số 4 gây ra
Mặc dù không bị bão số 4 đổ bộ trực tiếp, nhưng Hà Tĩnh đã bị ảnh hưởng dẫn đến mưa lớn kéo dài, nhiều tài sản đã bị hư hại; để đảm bảo an toàn về người và tài sản, lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã huy động nhiều nhân lực hỗ trợ đưa người dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn. Đồng thời di chuyển tài sản lên khu vực cao ráo, nhà tránh lũ để tránh bị thiệt hại.
Xã Đức Hương, huyện Vũ Quang được xem như vùng 'rốn lũ' của tỉnh Hà Tĩnh, mỗi khi thời tiết có mưa lớn kéo dài, toàn thôn Hương Thọ - nơi sông Ngàn Sâu bao quanh lại bị cô lập. Nếu không chuẩn bị tốt các phương án, hậu quả sẽ khó lường trước. Do đó, bà con luôn chủ động để đảm bảo an toàn. Rút kinh nghiệm từ những mùa lũ trước, các gia đình tại đây đã chuẩn bị đầy đủ các loại nhu yếu phẩm thiết yếu, đưa tài sản, vật nuôi lên chỗ cao ráo, nhà tránh lũ để hạn chế thiệt hại nếu nước lũ dâng cao.
Người dân vùng 'rốn lũ' Vũ Quang di chuyển tài sản lên nhà tránh lũ. Ảnh: BHT |
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hương cho biết: "Hiện nay, các kế hoạch, phương án tổ chức sử dụng lực lượng và phương tiện đều được xã xây dựng chi tiết đến từng thôn. Đặc biệt, địa phương có 3 thôn: Hương Đồng, Hương Đại và Hương Phố thường xuyên bị cô lập, với gần 400 hộ dân bị ảnh hưởng đã được xã lên phương án sơ tán cụ thể".
Ông Trần Lê - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Vũ Quang - cho biết: "Đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 4 đã cơ bản được huyện hoàn tất. Riêng đối với vùng “rốn lũ” gồm 6 xã: Đức Liên, Đức Hương, Đức Bồng, Đức Giang, Đức Lĩnh, Ân Phú (trong đó, 2 xã thường ngập sâu nhất là Đức Bồng và Đức Hương), địa phương đã triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt để chủ động tổ chức di dời, sơ tán dân khi có tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo hậu cần, lực lượng, phương tiện phòng chống bão lụt cũng được huyện chuẩn bị kỹ lưỡng để huy động khi cần thiết".
Cũng theo ông Lê, để đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản khi mưa lớn kéo dài, địa phương đã cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu, nghiêm cấm đánh bắt cá ở những khu vực lũ nguy hiểm.
Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn di chuyển người thân đến nơi an toàn. Ảnh: BHT |
Còn tại huyện Hương Khê, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau bão số 4, trên địa bàn huyện đang có mưa to đến rất to; tổng lượng mưa từ 10 giờ - 15 giờ ngày 19/9 là 91,7mm. Thực hiện chỉ đạo theo công điện khẩn của UBND huyện về việc chủ động ứng phó với bão số 4, các địa phương đã tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các vị trí có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động phòng tránh.
Đồng thời, vận động người dân di dời khỏi khu vực nguy hiểm, đến nơi ở mới an toàn. Đến chiều 19/9, hàng chục hộ dân với hàng trăm nhân khẩu thuộc các xã Hương Liên, Hương Lâm, Lộc Yên và Gia Phố đã được di dời ra khỏi vùng nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt.
Tại khu vực núi Động Hươu (nhà máy nước) thôn Phố Hoà, xã Gia Phố đã xuất hiện một số vết nứt, lở đất; vị trí sạt lở ngay sát nhà dân và đang có dấu hiệu sạt lở thêm khiến cho các hộ dân không khỏi lo lắng. Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ dân, xã Gia Phố đã đến tuyên truyền, vận động, đưa 8 hộ dân với 45 nhân khẩu chuyển đến nơi an toàn.
Xã Hương Liên cũng đã chủ động di dời 5 hộ, 15 khẩu bà con dân tộc Chứt và 1 hộ gia đình ở thôn 1 về tạm trú tại điểm Trường mầm non Hương Liên và gia đình người thân có nhà ở kiên cố, không nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét. Xã Hương Lâm đã di dời 17 hộ, 40 nhân khẩu (vùng xóm Trại, thuộc thôn 3) về tạm trú tại các hộ gia đình người thân có nhà ở an toàn trong xã.
Hà Tĩnh chủ động di dời người dân đến nơi an toàn, quyết không để thiệt hại về người do mưa bão gây ra. Ảnh: BHT |
Tại Nhà máy thủy điện Hố Hô, trong những giờ qua, khu vực lòng hồ có mưa to, lưu lượng nước về hồ trong những giờ tới dự báo sẽ tăng nhanh. Để chủ động trong công tác điều tiết hồ chứa nhằm hạn chế ảnh hưởng do mưa lũ gây ra cho công trình và vùng hạ du, nhà máy sẽ điều tiết qua tràn với lưu lượng khoảng từ 50m3/s đến 800m3/s tùy theo lưu lượng nước về hồ. Thời gian bắt đầu điều tiết qua tràn vào lúc 17 giờ ngày 19/9/2024.
Thống kê mới nhất từ Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, tổng lượng mưa tính từ 3h ngày 19/9 đến 3h ngày 20/9 các khu vực phổ biến từ 60 - 200mm, có nơi cao hơn như: Hương Lâm (Hương Khê) 271mm, Kỳ Sơn (Kỳ Anh) 277mm, Kỳ Lâm (Kỳ Anh) 275mm…
Dự báo, trong ngày hôm nay (20/9), đặc biệt trong 6 giờ tới, khu vực Hà Tĩnh tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa tích lũy phổ biến: 30 - 50mm, có nơi trên 70mm. Theo đó, khu vực Hà Tĩnh có nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi; sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất đặc biệt tại các huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Kỳ Anh, Thạch Hà, Can Lộc, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh.
Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cảnh báo đề phòng nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các khu vực trũng, thấp; mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn gây ngập úng ở các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.