Hạ tầng đo lường quốc gia: Công cụ đắc lực
Đáp ứng 75% nhu cầu kiểm định
Tại diễn đàn phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 diễn ra mới đây, ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - cho biết, đo lường thống nhất và chính xác góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe và môi trường. Đồng thời, là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế…
Thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa |
Thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đo lường cơ bản đã tương thích với các tổ chức đo lường quốc tế. Việt Nam đã là thành viên của 4 tổ chức quốc tế và khu vực về đo lường. Bên cạnh đó, hệ thống các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường trên địa bàn cả nước đã được xác lập và phát triển với hơn 350 tổ chức được cấp giấy chứng nhận, trên 3.000 kiểm định viên đã và đang kiểm định khoảng 32 triệu phương tiện đo...
Mặc dù vậy, hạ tầng đo lường quốc gia của Việt Nam vẫn chỉ ở mức trung bình của khu vực ASEAN; chưa bắt kịp xu thế thế giới là phát triển hạ tầng đo lường quốc gia như là một công cụ mạnh để tăng sức cạnh tranh của DN và nền kinh tế; chưa đáp ứng được những yêu cầu của một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới, quan trọng như công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo, điện tử viễn thông, trang thiết bị y tế công nghệ cao, logistics…
Hướng tới đồng bộ, hiện đại
Để khắc phục những hạn chế trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (Đề án 996). với mục tiêu phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động của DN cũng như tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động DN.
Cụ thể, đến năm 2025, sẽ phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch; công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận; phát triển được ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 10.000 cán bộ tham gia hoạt động đo lường; triển khai chương trình đảm bảo đo lường cho ít nhất 50.000 DN; triển khai áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 1.000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường.
Đến năm 2030, sẽ phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận ít nhất 300 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận; phát triển ít nhất 250 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 20.000 cán bộ tham gia hoạt động đo lường; triển khai chương trình đảm bảo đo lường cho ít nhất 100.000 DN; áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 2.000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường...