Hà Nội ưu tiên đầu tư xây dựng thêm 5 cây cầu bắc qua sông Hồng
Trong thời gian tới TP. Hà Nội xác định, ưu tiên đầu tư 5 cây cầu vượt sông Hồng. Việc xây dựng thêm hàng loạt những cây cầu bắc qua sông Hồng, nhằm hoàn thiện hạ tầng và được kỳ vọng tạo ra “cú hích” phát triển kinh tế của Thủ đô trong giai đoạn tới.
Cụ thể: Cầu Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát, Vân Phúc và cầu Tứ Liên. Đây là những mảnh ghép quan trọng trong hệ thống hạ tầng giao thông khung của thành phố, có vai trò kết nối nhiều khu vực đô thị với các Vành đai: 3; 3,5; 4; 5.
Trong đó, hai cầu Hồng Hà và Mễ Sở nằm trên lộ trình Vành đai 4, tuyến đường đường được TP. Hà Nội huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để có thể hoàn thành đúng tiến độ, tạo tiền đề cho TP. phát triển mở rộng và các đô thị vệ tinh cất cánh.
Cầu Hồng Hà sẽ được xây dựng cách cầu Thăng Long khoảng 11,5km về phía thượng lưu, vị trí dự kiến tại Km43+000 (lý trình đê Hữu Hồng) thuộc địa phận xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng.
Ảnh minh họa |
Sau khi hoàn thành, cầu Hồng Hà sẽ góp phần giảm tải mật độ phương tiện đi qua cầu Thăng Long, rút ngắn thời gian kết nối, tăng cường việc giao thương của phía Tây Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Cầu Mễ Sở cũng nằm trên Vành đai 4, bắc qua sông Hồng. Cầu sẽ vượt đê Hữu Hồng trên địa bàn huyện Thường Tín; vượt sông Hồng tại Km57+900; sau đó vượt qua đê Tả Hồng trên địa bàn huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên).
Cầu Mễ Sở là gạch nối từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, góp phần giảm phương tiện vào khu vực nội đô Hà Nội; đồng thời tăng cường hiệu quả khai thác của cả 2 tuyến đường; cũng như kéo gần khoảng cách giữa Hà Nội với Hưng Yên.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cầu Hồng Hà và Mễ Sở nằm trên Vành đai 4, nên sẽ nhanh chóng được đầu tư xây dựng.
Quy hoạch hướng tuyến và vị trí của cả hai cầu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại cuộc họp cuối tháng 10/2022, lãnh đạo TP. Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh đã thống nhất mặt cắt ngang, phương án thiết kế, quy mô và phạm vi giải phóng mặt bằng 2 cầu này.
Bên cạnh đó, các huyện thuộc khu vực Tây Nam của thành phố như: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hoà... tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hoá ngày càng mạnh mẽ.
Tuy nhiên hệ thống giao thông trong khu vực chủ yếu trông cậy vào một số tuyến đường tỉnh, đường huyện xây dựng từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Kết nối giao thông qua sông Hồng chủ yếu tập trung theo hướng cầu Thăng Long đi cao tốc Nội Bài - Lào Cai và theo cầu Vĩnh Thịnh đi QL2C.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô và Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa phận xã Vân Phúc huyện Phúc Thọ có bố trí một cầu vượt sông Hồng kết nối đường trục Bắc - Nam với đường Vành đai 5 tỉnh Vĩnh Phúc.
Cầu Vân Phúc sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực, mở thêm một tuyến giao thông kết nối giữa tỉnh Vĩnh Phúc với TP. Hà Nội qua sông Hồng.
Dự kiến cầu Vân Phúc có điểm đầu tại vị trí giao cắt với QL32, thuộc địa phận xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ; Điểm cuối tại ranh giới với tỉnh Vĩnh Phúc (thuộc địa phận huyện Yên Lạc), khớp nối với dự án tuyến giao thông kết nối từ đê tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc do tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư.
Cầu Thượng Cát nằm trên tuyến đường Vành đai 3,5 sẽ mở ra một hướng phát triển mới cho cửa ngõ phía Tây Bắc Hà Nội. Với cầu Thượng Cát, Vành đai 3,5 sẽ góp phần giảm tải lưu lượng giao thông cho Vành đai 3 trong tương lai; tạo “trục lõi” để phát triển đô thị phía Tây Hà Nội; đảm bảo điều kiện hạ tầng giao thông vận tải phục vụ chuỗi khu công nghiệp, đô thị dọc tuyến đường trong tương lai.
Cầu Thượng Cát có Điểm đầu khớp nối với dự án đường Vành đai 3,5; Điểm cuối tại nút giao với đường khu công nghiệp Bắc Thăng Long, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh.
Cây cầu với kỳ vọng mở ra hướng phát triển mới cho đô thị hoá, công nghiệp hoá trên địa bàn các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức; quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm. Cầu Thượng Cát có tổng mức đầu tư dự tính khoảng 8.300 tỷ đồng, được đầu tư từ nguồn ngân sách TP. Hà Nội.
Hiện việc phát triển đô thị khu vực phía Bắc sông Hồng đang gặp nhiều khó khăn do hệ thống giao thông kết nối với trung tâm Hà Nội và khu vực lân cận không thuận lợi, chủ yếu thông qua cầu Thăng Long, cầu Đuống cũ.
Do đó việc đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn đến đường Vành đai 3 là hết sức cần thiết. Dự án này sau khi hoàn thành sẽ kết nối nhanh khu vực phía Bắc, Đông Bắc sông Hồng, tỉnh Thái Nguyên (thông qua cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) với đô thị lõi, mở ra hướng kết nối mới, giảm tải cho cầu: Chương Dương, Long Biên; và Thăng Long.
Điểm đầu cầu Tứ Liên sẽ kết nối với đường Nghi Tàm và đường quy hoạch dọc đê Hữu Hồng (Quận Tây Hồ); Điểm cuối tại nút giao với đường Vành đai 3 và cao tốc Hà Nội Thái Nguyên (huyện Đông Anh).