Thứ hai 25/11/2024 12:38

Hà Nội: Thịt lợn tiêu thụ chậm, lượng bán giảm từ 5 - 20%

Qua theo dõi tình hình thị trường, tại một số hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố như Vinmart, Intimex, Hapro… và tại một số chợ, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thịt lợn bán ra từ đầu tháng 12/2019 đến nay tiêu thụ chậm, lượng bán giảm từ 5% - 20% so với tháng 11/2019; thời điểm hiện tại người dân cũng chủ động sử dụng các thực phẩm thay thế khác như thịt gia cầm, thủy sản…

Chiều ngày 24/12, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức buổi giao ban báo chí với nội dung trọng tâm về công tác chuẩn bị hàng hóa, bình ổn giá và kiểm tra, kiểm soát thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 trên địa bàn Hà Nội.

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, nhu cầu 2 tháng Tết khoảng 44.600 tấn lợn hơi/tháng (22.300 tấn/tháng). Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi từ đầu năm 2019 nên hiện nay, nguồn cung thịt lợn phục vụ Tết trên địa bàn nói chung và từ các tỉnh, thành phố có chăn nuôi lợn giảm mạnh.

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - thông tin tại buổi giao ban báo chí

Đánh giá về nguồn cung thịt lợn trong nước, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến tổng đàn lợn giảm 42% so với cùng kỳ năm trước và sản lượng lợn hơi xuất giảm 20% so với cùng kỳ năm trước khiến nguồn cung ứng cho thị trường giảm.

Số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội về sản lượng lợn hơi xuất chuồng trong quý IV/2019 như sau: Tháng 10/2019 là 18.800 tấn cơ bản đáp ứng nhu cầu tháng bình thường, thiếu 3.500 tấn so với nhu cầu tháng Tết; tháng 11/2019 là 18.000 tấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu tháng bình thường, thiếu 4.300 tấn so với nhu cầu tháng Tết; từ ngày 1 - 16/12/2019 là 11.125 tấn, dự kiến cả tháng là 22.250 tấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu tháng Tết.

Về nguồn nhập khẩu, bà Trần Thị Phương Lan cho hay, trên cả nước 10 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn đạt 96 nghìn tấn, tăng 101,7% so cùng kỳ năm trước. Thịt lợn được nhập khẩu nhiều nhất từ Ba Lan, Đức, Hoa Kỳ, Hà Lan. Tuy nhiên, tại Hà Nội, 11 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn qua Hải quan Hà Nội đạt 64,44kg; Nửa đầu tháng 12/2019 không có thịt lợn nhập khẩu qua Hải quan Hà Nội. Lượng nhập khẩu qua Hải quan Hà Nội là rất nhỏ, chủ yếu là hàng mẫu đi đường hàng không, các doanh nghiệp nhập khẩu thịt thường đi container theo đường biển vào các cảng tại Quảng Ninh, Hải Phòng...

Nguồn cung mặt hàng thịt lợn cho đến thời điểm hiện tại cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tháng Tết (chưa kể nhập khẩu). Hiện, sản lượng thịt lợn xuất chuồng cũng tăng so với tháng trước. Nguyên nhân có thể do thời điểm hiện tại, số lượng lợn đến lứa xuất chuồng tăng, đồng thời nhu cầu người dân tăng cao nên các đơn vị giết mổ tăng cường hoạt động thu mua từ các nguồn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng người dân.

“Theo báo cáo của các doanh nghiệp, lượng bán ra các mặt hàng thay thế thịt lợn của tháng 12 tăng lên so với tháng 11, cụ thể, thịt gà tăng 10-15%, thịt bò tăng 4%, thủy hải sản tăng 12%, trứng gia cầm tăng 5%”, bà Trần Thị Phương Lan nói…

Về giải pháp cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn trên địa bàn, bà Trần Thị Phương Lan cho hay, Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, Cục Hải quan Hà Nội, các đơn vị liên quan.... để nắm bắt thông tin về các cơ sở sản xuất, chăn nuôi có khả năng cung ứng mặt hàng thịt lợn ngay cho thị trường để kịp thời tổ chức kết nối, cung cấp thông tin cho các đơn vị giết mổ, phân phối khai thác đưa về Hà Nội phục vụ nhân dân và có giải pháp tham mưu xử lý kịp thời khi thiếu nguồn cung và tăng giá đột biến.

Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm về nguồn cung đối với mặt hàng thịt lợn trên địa bàn và đề xuất với UBND thành phố giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng thịt lợn phục vụ nhân dân khi xảy ra thiếu hàng. Định kỳ 10 ngày/lần, Sở NN&PTNT cung cấp thông tin nguồn cung thịt lợn cho Sở Công Thương, từ đó có thể đưa ra các giải pháp nhằm thay thế thịt lợn, để phối hợp triển khai các giải pháp cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ nhân dân.

Sở Tài Chính tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định về giá bán mặt hàng thịt lợn trên địa bàn để tránh trường hợp tăng giá bất hợp lý, gây mất cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ nhân dân.

Sở Công Thương Hà Nội cũng yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu chủ động nhập mặt hàng thịt lợn, doanh nghiệp phân phối sản phẩm thịt lợn trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp chăn nuôi tập trung có phương án bảo đảm nguồn cung cấp thịt lợn cho thị trường. Đồng thời xây dựng phương án dự phòng khai thác các sản phẩm thịt thay thế sản phẩm thịt lợn trong trường hợp thị trường xảy ra thiếu hàng để đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ cho nhân dân trên địa bàn trong dịp Tết.

Trong lĩnh vực quản lý thị trường, ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội - cho biết, thời gian qua, Cục đã thường xuyên tổ chức kiểm tra xử lý trường hợp lợi dụng găm hàng, đẩy giá bán mặt hàng thịt lợn lên cao bất hợp lý gây mất cân đối cung cầu trên địa bàn.... Đồng thời, Cục cũng kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thịt lợn, không để các đối tượng lợi dụng đưa các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm ra thị trường.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Thừa Thiên Huế: Công điện hoả tốc ứng phó mưa lũ, học sinh được nghỉ học

Nước lũ dâng cao, tỉnh Quảng Ngãi di dời khẩn cấp người dân

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở làm sập tường ở điểm trường Răng Chuỗi huyện Nam Trà My

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh): Hướng tới ‘cái nôi’ giá trị văn hóa lịch sử

Quảng Ninh: Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh

Sẽ sớm ổn định cuộc sống cho người dân khu tái định cư dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch

Bình Định: Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu

Quảng Ninh tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên than

Chuyển đổi số tạo 'cú hích' phát triển du lịch Quảng Ninh

Vĩnh Phúc: Tăng trưởng GRDP năm 2024 dự kiến đạt 7,5-7,8%

Quảng Ninh: Ngành du lịch 'chạy nước rút' chinh phục mục tiêu 19 triệu lượt khách

Dân ca Quan họ Bắc Ninh: 15 năm lan tỏa mạnh mẽ

Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà

Quảng Ninh: Doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất nhờ tiết kiệm điện

Quảng Ninh quyết tâm cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' IUU

Bắc Giang: Kiểm soát bình ổn thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu

Quảng Ninh ưu tiên phát triển nhà ở xã hội

Bà Rịa – Vũng Tàu: Chạy đua với thời gian trong giải ngân vốn đầu tư công

‘Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa’: Cú huých mạnh mẽ cho du lịch

Mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp 39,4ha ở tỉnh Thanh Hóa về tay doanh nghiệp nào?