Về hoạt động trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan tại khu trung tâm và các tuyến phố chính chào mừng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, bà Bùi Thị Thu Hiền - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội – cho hay, Hà Nội sẽ thực hiện trang trí chiếu sáng tại 10 tuyến đường gồm: Điện Biên Phủ, Bà Triệu, Tràng Tiền, Tràng Thi, Phan Đình Phùng; trang trí 6 cụm pano cố định khu vực nội thành và vùng ben cửa ngõ, 10 cụm pano 2 mặt tại dải phân cách các tuyến đường khu vực trung tâm của thành phố;…. Lắp 1.000 giá treo cờ tại các trục đường, tuyến phố chính, khu vực trung tâm thành phố. Căng, treo 2.000 băng rôn trên các trục đường, tuyến phố chính, khu vực trung tâm thành phố trên các giá treo họa tiết hoa sen…
Về hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao trong dịp này, bà Bùi Thị Thu Hiền cho biết, Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa vào đêm Giao thừa, thời gian thực bán pháo hoa 15 phút. Hiện, UBND Hà Nội chưa ban hành kế hoạch cụ thể, dự kiến, có 6 điểm bán pháo hoa tầm cao và 24 điểm tầm thấp. Chương trình nghệ thuật chào mừng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sẽ diễn ra vào lúc 22h00’ ngày 24/1 (đêm Giao thừa).
Hà Nội: Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 |
Về hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, sẽ có triển lãm ảnh mừng Đảng – mừng Xuân Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 thời gian từ 22/1 – 4/2 tại triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàn, Hoàn Kiếm; triển lãm mừng Đảng – mừng Xuân tại Bảo tàng Hà Nội từ 6/1 – 6/2 tại Bảo tàng Hà Nội; tổ chức 3 đêm tuyên truyền lưu động trên địa bàn Thành phố từ 16 - 18/1; hội chữ Xuân Canh Tý chủ đề “Thành Đức” tại khu vực hồ Văn thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám thời gian từ 18/1 – 5/2; chiếu phim mừng Đảng, mừng Xuân tại các quận, huyện, thị xã; chương trình biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao; lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng 2020; giải Vật truyền thống tại huyện Thạch Thất; trang trí, mở cửa đón khách tham quan, du lịch tại các di tích: Đền Ngọc Sơn; Nhà tù Hỏa Lò; di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Tại các quận, huyện, thị xã sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao tại các điểm công cộng trên địa bàn phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Trình bày, giới thiệu lịch sử truyền thống, mở cửa các di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến phục vụ nhân dân, du khách thăm quan, du lịch.
Về các hoạt động quản lý lễ hội năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu UBND Thành phố ban hành văn bản chỉ đạo và thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố năm 2020. Ban hành kế hoạch, tổ chức rà soát, kiểm tra về việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố; kiểm tra hướng dẫn cơ sở triển khai công tác tổ chức và quản lý lễ hội đối với các lễ hội lớn diễn ra trong dịp đầu Xuân; thành lập Đoàn kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2020 của Sở….
Kiểm tra công tác chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động Lễ hội diễn ra trên địa bàn thành phố. Theo đó, tập trung kiểm tra, hướng dẫn cơ sở triển khai công tác tổ chức và quản lý lễ hội đối với các lễ hội lớn, tiêu biểu diễn ra trong dịp đầu Xuân đảm bảo trang trọng, an toàn, văn minh, tiết kiệm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động lễ hội theo quy định pháp luật như: Đổi tiền lẻ; vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; kinh doanh dịch vụ… Sở cũng mở đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin về công tác lễ hội trên địa bàn Thành phố qua số điện thoại 0869.295538….
Tại buổi giao ban, ông Lê Hữu Mạnh – Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Sóc Sơn cũng đã thông tin về công tác tổ chức lễ hội tại địa bàn huyện Sóc Sơn. Theo đó, thời gian tổ chức lễ hội trong 3 ngày, từ 30/1- 1/2 (tức ngày 6-8 tháng Giêng năm Canh Tý). Đến nay, kế hoạch tổ chức lễ hội đền Sóc đã được UBND huyện triển khai, các đơn vị được phân công tham gia phục vụ. Ông Lê Hữu Mạnh cho hay, Sóc Sơn sẽ tiếp tục duy trì các nghi lễ truyền thống, duy trì kết quả tổ chức và việc đổi mới một số điểm trong công tác tổ chức đã phát huy hiệu quả trong những năm trước đây như: không tổ chức lễ rước giò hoa tre và trầu cau xuống đền Hạ, đền Mẫu, bỏ tục tán lộc; lễ vật đưa vào đền Thượng và tổ chức phát lộc cho du khách theo sự kiểm soát của Ban tổ chức.
Liên quan đến lễ hội chùa Hương, ông Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức – cho hay, Ban tổ chức Lễ hội thành lập các Tiểu ban, trạm kiểm tra, tổ kiểm tra. Lễ hội chùa Hương sẽ được khai hội vào mùng 6 tháng Giêng năm Canh Tý. Giá vé thắng cảnh 80.000 đồng/người cho toàn bộ khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, trong đó đã có bảo hiểm khách du lịch, chi phí xuồng đò là 50.000 đồng cả lượt vào và ra. Liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy, đây là vấn đề đáng quan tâm, nguy cơ rất lớn, nhưng do địa hình chùa Hương nên chỉ có thể thực hiện phương án 4 tại chỗ sẽ cố gắng khắc phục cao nhất nếu chẳng may hỏa hoạn xảy ra. Ban tổ chức cũng nghiêm cấm tất cả các loại xuồng sử dụng động cơ máy, trừ các lực lượng công án, thanh tra giao thông, ban tổ chức, nhà chùa, cấp cứu…
Các hoạt động chào mừng Tết Nguyên đán Canh Tý và các lễ hội năm 2020 diễn ra trên địa bàn Thành phố góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong dịp đầu Xuân mới; động viên, khích lệ quần chúng nhân dân hăng hái thi đua học tập, lao động, sản xuất, thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020 của Thủ đô và đất nước.