Thứ bảy 28/12/2024 21:46

Hà Nội: Người dân 'khóc ròng' vì sổ đỏ bị thu hồi, mức đền bù chưa thỏa đáng

Người dân xã Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) cho rằng việc thu hồi sổ đỏ, nhà ở và các công trình xây dựng trên đất ở chỉ được đền bù 0 đồng chưa khách quan.

Bàng hoàng vì nhà ở, công trình xây dựng chỉ được đền bù 0 đồng

Mới đây, Báo Công Thương nhận được phản ánh của nhiều hộ dân tại xóm 20, thôn Xuân Bảng, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội phản ánh việc những hộ dân này không đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m từ Khu xử lý chất thải Sóc Sơn kết hợp trồng cây xanh, cải tạo hành lang cách ly tại thôn này.

Khu xử lý chất thải Sóc Sơn (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội). Ảnh: Phong Lâm

Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Luyện, gia đình ông cùng 15 hộ dân khác sinh sống, ăn ở ổn định, liên tục và không có tranh chấp trên các thửa đất thuộc xóm 20, thôn Xuân Bảng, xã Nam Sơn từ trước năm 1980.

Ông Nguyễn Văn Luyện cho biết, thửa đất của gia đình ông cũng như các thửa đất của hộ dân khác trong xóm đều đã được UBND huyện Sóc Sơn và Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là sổ đỏ). Trong đó, thể hiện rõ có phần đất ở nông thôn và đất trồng cây lâu năm.

Do nằm trong vùng bán kính ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn nên gia đình ông Luyện cùng 12 hộ dân còn lại thuộc diện phải di dời.

Tuy nhiên, khi nhận được dự thảo phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của UBND huyện Sóc Sơn ban hành, các hộ này phát hiện, phần đất ở của gia đình lại được kê khai thành đất trồng cây lâu năm, đất vườn, ao chứ không có đền bù, bồi thường về đất ở. Cũng bởi lý do trên mà các hộ này đều không được cấp đất tái định cư và chỉ nhận được bồi thường 78 nghìn đồng/m2. Điều này khiến các hộ dân rất bức xúc.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Luyện, gia đình ông cùng nhiều hộ dân đã bị thu hồi sổ đỏ và lên phương án bồi thường không đúng quy định. Ảnh: Phong Lâm

Ông Nguyễn Như Oanh (cùng trú tại xóm 20, thôn Xuân Bảng) cũng cho biết, năm 2017, gia đình ông được chính quyền huyện Sóc Sơn, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội cấp sổ đỏ với phần diện tích đất ở là 200m2, đất trồng cây lâu năm là 219m2.

Tuy nhiên, trong dự thảo phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, phần đất ở của gia đình ông Oanh bị coi là diện tích đất trồng cây lâu năm không cùng thửa đất ở. Phần diện tích đất ở này chỉ được bồi thường ở mức 15.600.000 đồng (78.000 đồng x 200m2), đồng thời không hỗ trợ tái định cư cho gia đình ông.

“Chúng tôi sống trong vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, chịu ảnh hưởng nặng nề về môi trường từ bãi chứa rác thải này nên mong muốn của chúng tôi là được di dời càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, dự thảo phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nói trên đã gây thiệt thòi cho toàn bộ các hộ dân thuộc xóm 20. Số tiền bồi thường quá ít, không hỗ trợ tái định cư cho gia đình tôi nói riêng, cho bà con nhân dân xóm 20 nói chung nên chúng tôi không thể di chuyển chỗ ở ra khỏi khu vực vùng ảnh hưởng môi trường này. Tôi đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn kiểm tra lại các quy định có liên quan, lên phương án bồi thường, hỗ trợ hợp lý và đầy đủ phần diện tích đất ở, đồng thời xem xét hỗ trợ giao đất tái định cư cho người dân”, ông Nguyễn Như Oanh cho hay.

Chênh lệch lớn từ 2 phương án bồi thường

Năm 2019, UBND xã Nam Sơn niêm yết công khai dự thảo Phương án đền bù giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng từ Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) trong bán kính 500m theo quy định.

Theo phương án này, gia đình bà Nguyễn Thị Thu (xóm 20 Xuân Bảng, Nam Sơn, Sóc Sơn) được xác định có 171m2 đất ở và một phần diện tích đất trồng cây lâu năm (ghi trong sổ đỏ cấp năm 2013), tổng số tiền bồi thường là 811 triệu đồng. Tuy nhiên, đến năm 2023, bà Thu lại nhận được dự thảo Phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khác do Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn lập.

Nhưng trong phương án năm 2023, phần diện tích đất ở của gia đình bà được đền bù với giá… 0 đồng. Do đó, tổng số tiền đền bù cho toàn bộ diện tích đất chỉ 178 triệu đồng, giảm 633 triệu đồng so với phương án thời điểm năm 2019.

Điều người dân thắc mắc là tại sao sổ đỏ của gia đình ghi rõ phần diện tích đất ở là 171,0m2, nhưng khi đền bù, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn lại xác định phần đất ở là diện tích đất trồng cây lâu năm?

Trao đổi với phóng viên, một số hộ dân khác cho biết, việc các hộ không nhận được bồi thường đối với diện tích đất ở là do trước đó, UBND huyện Sóc Sơn đã có quyết định thu hồi sổ đỏ của các hộ dân. Trong các quyết định thu hồi, UBND huyện Sóc Sơn nêu rõ lý do thu hồi là vì sổ đỏ cấp cho các hộ gia đình, cá nhân tại xóm 20, thôn Xuân Bảng, xã Nam Sơn không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, người dân lại cho rằng, việc thu hồi này là không đúng và chưa tuân thủ theo các trình tự của pháp luật.

Theo ông Nguyễn Như Oanh, quyết định thu hồi do UBND huyện Sóc Sơn ban hành không căn cứ trên kết luận thanh tra chuyên ngành của Sở Tài nguyên Môi trường để khẳng định việc cấp sổ đỏ là đúng hay sai. Trong khi đó, ông Oanh khẳng định, sổ đỏ của người dân đã được cấp theo đúng quy định của pháp luật?

Ông Nguyễn Như Oanh (người đang đứng) cùng nhiều hộ dân xóm 20, thôn Xuân Bảng bày tỏ bức xúc khi các công trình, nhà ở chỉ được đền bù ở mức 0 đồng. Ảnh: Phong Lâm

Để có thông tin khách quan, phóng viên Báo Công Thương đã liên hệ tới UBND xã Nam Sơn. Cán bộ địa chính của xã này là ông Lê Anh Hùng giải thích, theo Quyết định số 3232/QĐ-UB ngày 9/8/1999 của UBND TP. Hà Nội về phê duyệt chính sách đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất để xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn thì một số hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng bán kính 100m liền kề đã nhận hỗ trợ không quá 8 triệu đồng/hộ để ổn định nơi ở mới.

Đồng thời, được tiếp tục quản lý, sử dụng đất nhưng chỉ được trồng cây lâu năm hoặc sản xuất nông, lâm nghiệp và nhận thêm 5.100 đồng/m2 tiền hỗ trợ canh tác.

“Khi thực hiện Quyết định 3232/QĐ-UB các hộ dân đã được hỗ trợ về đất ở, hỗ trợ tự lo chỗ ở ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường. Vì Quyết định 3232/QĐ-UB là chưa thu hồi về đất, chỉ hỗ trợ và đăng ký di chuyển còn đất còn lại của hộ gia đình cá nhân vẫn được sử dụng vào mục đích là đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, hoặc đất làm lâm nghiệp.

Vì vậy, khi lập phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, UBND xã căn cứ trên Văn bản số 481/TB-UBND thông báo kết luận của Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn tại cuộc họp giao ban lãnh đạo huyện với nội dung: Trường hợp diện tích đất ở đã bồi thường, thì xác nhận là đất vườn không cùng thửa đất ở, nên không được đền bù lần thứ 2 nữa mà chỉ được hỗ trợ, còn phần diện tích khác nằm cùng thửa đất đó thì được đền bù.

Về mong muốn được tái định cư của bà con, UBND xã đã báo cáo UBND huyện Sóc Sơn để huyện báo cáo với UBND TP. Hà Nội xem xét cấp đất cho mỗi hộ để tái định cư, nhưng đến giờ chưa được chấp thuận”, ông Lê Anh Hùng cho hay.

Tại buổi làm việc, phóng viên đặt câu hỏi về trường hợp sổ đỏ của người dân bị cấp sai quy định dẫn tới việc người dân bị mất quyền lợi khi thực hiện phương án đền bù, trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Trả lời câu hỏi này, ông Lê Anh Hùng cho biết “ai sai sẽ chịu trách nhiệm”“việc cấp sổ đỏ, thu hồi sổ đỏ thuộc thẩm quyền của huyện, xã không có thẩm quyền này”.

Đối với những kiến nghị của người dân xóm 20, thôn Xuân Bảng, xã Nam Sơn, để có cơ sở trả lời đầy đủ kiến nghị của người dân, đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm vào cuộc tiến hành thanh tra, kiểm tra việc cấp sổ đỏ, thu hồi sổ đỏ của người dân cũng như việc lên phương án bồi thường chi tiết cho Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m từ Khu xử lý chất thải Sóc Sơn.

Phong Lâm

Tin cùng chuyên mục

Công nghệ Nguyễn Kim: Chỉ định thầu sản phẩm giá 67,5 triệu đồng, trên mạng rao bán 55 triệu đồng

Cửa hàng vàng Như An Diamond bán vàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Hộp thư bạn đọc ngày 12/12: Phản ánh về chợ Đông Phú, siêu thị ăn vặt Mlem Mlem

Vĩnh Phúc: Nhanh chóng tiếp nhận thông tin, quyết liệt đấu tranh chống gian lận thương mại

TikToker Mr Pips “lùa gà” bằng công cụ gì?

Hộp thư bạn đọc ngày 5/12: Phản ánh liên quan đến thời trang Ben Kids, Trường Quốc tế Thăng Long

Thanh Hóa: Xác minh tố cáo dấu hiệu vi phạm trong hoạt động khai thác đá của Công ty Cao Nguyên

Bắc Giang: Giấy phép cấp một đằng, Công ty TNHH Minh Hà đổ đất một nẻo

Hà Nội: Xử phạt 6 cơ sở bán hàng nhập lậu trong Big C Thăng Long

Thanh Hóa: Chấn chỉnh Công ty TNHH đầu tư xây dựng Phương Anh vì thi công ẩu

Bắc Giang: Để người nước ngoài sinh sống lâu dài trong nhà ở xã hội, trách nhiệm thuộc về ai?

Hộp thư bạn đọc ngày 28/11: Phản ánh liên quan đến việc thu tiền trông xe trái quy định

Dự án Usilk City chậm tiến độ hơn một thập kỷ gây lãng phí

Quy định chủng loại thịt nhập khẩu: Điểm nghẽn cần tháo gỡ trong 'dòng chảy' thương mại

Cần Thơ: Vì sao nhiều dự án đã hoàn thành nhưng chưa được quyết toán?

Thanh Hóa: Người dân sống bất an cạnh chung cư Bình An Plaza

Hộp thư bạn đọc ngày 21/11: Phản ánh liên quan đến sản phẩm Trinh nữ Hoàng Cung Crilin, MBC PlayBe Việt Nam

Vụ Công ty GFDI vỡ nợ 3.700 tỷ đồng: Khách hàng cần làm gì để lấy lại tiền cho vay?

Chính quyền phản hồi về quy hoạch khu xử lý rác tại xã Yên Lạc sau phản ánh của Báo Công Thương

CEO Vương Long gỡ video sai sự thật về Laura Coffee