Hà Nội: Cử tri kiến nghị vấn đề tái định cư dự án Vành đai 4
Chiều 11/10, đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cùng các Đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 10 đã tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh, huyện Sóc Sơn trước kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, cử tri 2 huyện Mê Linh, Sóc Sơn đã đề cập đến công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. Cụ thể, cử tri Nguyễn Khắc Hài (huyện Mê Linh) kiến nghị cho phép xác định tiền sử dụng đất để giao đất tái định cư cho các hộ gia đình cá nhân theo giá đất cụ thể, bảo đảm “1 dự án, 1 chính sách”.
Cho biết huyện di dời 3 trường học bàn giao mặt bằng cho dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, cử tri Nguyễn Khắc Hài cũng kiến nghị thành phố bố trí nguồn vốn xây dựng lại 3 trường học này đạt chuẩn quốc gia.
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri. |
Bên cạnh đó, cử tri huyện Mê Linh, huyện Sóc Sơn cũng bày tỏ kiến nghị liên quan đến hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND ngày 27/9/2024, quy định các nội dung quan trọng liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố.
Trực tiếp trả lời cử tri tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết, căn cứ theo quy định Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/2024, các bộ đã có nghị định, thông tư, thành phố đã có Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND cũng như các quyết định về giá đất, giải phóng mặt bằng.
Theo ông Lê Thanh Nam, sở vẫn triển khai tiếp nhận các thủ tục của người dân cũng như đã có hướng xử lý cho các trường hợp chia tách thửa. Đối với nội dung của Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND về các điều kiện để chia tách thửa đất ở, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thông tin, việc nâng diện tích tách thửa để bảo đảm phát triển đô thị văn minh, điều kiện sống tối thiểu người dân.
Cử tri đề cập đến công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. |
Phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, khối lượng công việc cần triển khai thực hiện là rất lớn và phức tạp do Luật Thủ đô có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, nhiều quy định mới so với hệ thống pháp luật hiện hành.
"Với gần 100 nghị quyết quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô, dự kiến HĐND thành phố sẽ dành phần lớn thời gian kỳ họp cuối năm 2024 để xem xét, quyết định các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật", ông Trần Sỹ Thanh nói.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, hiện tại các sở, ngành thành phố đang tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo các Nghị quyết, bảo đảm chất lượng cao nhất trình HĐND thành phố.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị lãnh đạo các huyện, cơ quan chuyên môn lấy ý kiến cử tri, nhân dân, cả hệ thống chính trị tham gia trách nhiệm vào các nghị quyết bảo đảm các cơ chế chính sách đi vào cuộc sống ngay từ thời điểm Luật có hiệu lực từ 1/1/2025.
Đại biểu Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu tiếp xúc cử tri. |
Về 2 quy hoạch, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết thành phố đang phối hợp với cơ quan có thẩm quyền nhằm hoàn thiện dự thảo các quy hoạch trình Chính phủ và tiếp tục chuẩn bị mọi điều kiện để thực hiện các quy hoạch ngay sau khi được phê duyệt.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố trao quà tặng công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. |
Nhấn mạnh thành phố đã chủ động tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), ông Trần Sỹ Thanh cho biết, bên cạnh các sự kiện, hoạt động kỷ niệm, thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, bảo đảm an sinh xã hội như hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát…
Tại hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố trao 30 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng tặng công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Mê Linh.