Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính
Theo kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2017, TP. Hà Nội được xếp thứ 2 toàn quốc. Để đạt kết quả này, thành phố luôn xác định cải cách TTHC và ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá; xây dựng chính quyền thân thiện, hành động và phục vụ nhân dân. Theo đó, Hà Nội đã thành lập Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên nền tảng thống nhất, đồng bộ tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.
Cải cách thủ tục hành chính góp phần hỗ trợ doanh nghiệp |
Theo đánh giá của người dân, nhiều TTHC thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 được rút ngắn thời gian giải quyết hơn so với quy định hiện hành. Có những thủ tục trước đây quy định 3 ngày, thủ tục quy định 7 ngày, nay đều được rút xuống, thậm chí nhanh hơn lịch hẹn. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng, hạn chế tối đa việc đi lại của người dân cũng như doanh nghiệp.
Ngoài ra, trên cơ sở danh mục được phê duyệt, thành phố tích cực triển khai hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của thành phố. Được biết, ngày 17/11/2018, việc giải quyết hồ sơ TTHC, dịch vụ công trực tuyến các cấp trên thành phố (trừ các dịch vụ công trực tuyến do bộ, ngành triển khai) thực hiện tập trung tại hệ thống một cửa điện tử thành phố dùng chung 3 cấp.
Hiện đại hóa hành chính
Nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong mua bán, trao đổi thương mại điện tử, thành phố sẽ thí điểm vận hành chuỗi “Cửa hàng tự động”. Thí điểm này sẽ sử dụng mô hình 020 Online 2 Offline, dùng mã hình QR trong đặt hàng trực tuyến và thanh toán trực tuyến, sử dụng logistics điện tử trong giao nhận sản phẩm, hàng hóa.
Hà Nội hướng đến xây dựng thành phố thông minh |
Cùng với đó, Hà Nội tổ chức vận hành mạng lưới “Máy bán hàng tự động” tại các địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, hình thức, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, cửa hàng xăng dầu, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông và trong mua sắm trực tuyến trên địa bàn.
Một điểm đáng chú ý nữa trong hiện đại hóa hành chính, đó là thành phố đã chỉ đạo khá quyết liệt việc kết hợp chặt chẽ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo hợp tiêu chuẩn quốc gia. Đến nay, 100% sở, cơ quan ngang sở, UBND quận, huyện, thị xã đã thực hiện tự công bố hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001: 2008 và thực hiện đầy đủ duy trì hệ thống quản lý chất lượng thông qua đánh giá nội bộ, xem xét của lãnh đạo. 73% xã, phường, thị trấn thực hiện công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008; 18 quận, huyện có 100% đơn vị cấp xã thực hiện công bố; 67% đơn vị trực thuộc các sở, ngành (đơn vị cấp 2) thực hiện công bố hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2008.
Có được kết quả này do thành phố đã ban hành nhiều văn bản nhắc nhở và chấn chỉnh việc giải quyết TTHC tại cơ quan, đơn vị; khắc phục tình trạng quá hạn trong giải quyết TTHC; thực hiện nghiêm việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi xảy ra tình trạng chậm, muộn trong giải quyết TTHC… Bên cạnh đó, còn có sự phối hợp tốt của các đơn vị liên quan, đặc biệt là công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân về dịch vụ công trực tuyến…, cụ thể: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp đã biên soạn nội dung, phối hợp tuyên truyền về dịch vụ công trên đài phát thanh, tuyên truyền trực quan tại một số trường phổ thông cơ sở và phổ thông trung học trên địa bàn…
Thống kê cho thấy, đến nay, toàn thành phố có 689 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; trong đó có 519 dịch vụ mức 3 và 170 dịch vụ mức 4, là một trong những địa phương đi đầu trong cải cách TTHC. Cơ chế đăng ký kinh doanh thân thiện đã giúp Hà Nội giảm 30% thời gian đăng ký, 100% hồ sơ được thực hiện qua mạng... |