Để giúp người dân tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo tồn và giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh Hà Giang đã có nhiều chủ trương chính sách và cách làm hiệu quả.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề trên, phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với ông Đặng Quốc Sử - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Hà Giang
Với lợi thế về tài nguyên văn hóa, tín ngưỡng của 19 dân tộc đang sinh sống, Hà Giang đã có những chính sách như thế nào trong phát triển du lịch, tạo sinh kế bền vững cho người dân?
Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới có 19 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng độc đáo và đa dạng. Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang với tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn đã từng bước đưa Hà Giang phát triển về kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được cải thiện: Công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc như: Các lễ hội, nghề truyền thống được khôi phục; tri thức dân gian; dân ca, dân vũ, nhạc cụ; tín ngưỡng truyền thống; tiếng nói, chữ viết... được bảo tồn và phát huy.
Trước hết, Hà Giang xác định, văn hóa giữ một vị trí quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng con người mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; góp phần nâng cao trình độ dân trí của các dân tộc; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, lòng tin của đồng bào dân tộc trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng;...
Ông Đặng Quốc Sử cho biết phát triển du lịch gắn với văn hóa là chủ trương thống nhất của Đảng bộ và chính quyền nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang |
Với quan điểm đó, những năm qua, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch như: đề án về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hoá đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; đề án Giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các DTTS cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020…
Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy du lịch phát triển (Chương trình số 29-CTr/TU ngày 24/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang đã ban hành về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 02/8/2021 của Ban chấp hành Đảng Bộ tỉnh về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025; Đề án Phát triển nguồn nhân lực du lịch đến năm 2025; Kế hoạch xúc tiến quảng bá Du lịch và Thương mại đến năm 2025; Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch giai đoạn 2022 - 2025...), phát triển văn hóa gắn với du lịch theo giai đoạn và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Lựa chọn việc sử dụng di sản văn hóa trong phát triển du lịch, đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương. Tiếp tục tổ chức các hoạt động lớn như ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc; liên hoan ca múa nhạc và trích đoạn lễ hội dân gian; triển lãm di sản văn hóa dân tộc gắn với thực hiện tốt công tác giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của từng dân tộc địa phương với du khách trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu phải kể đến như: Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, nghệ thuật múa Khèn của dân tộc Mông… Đây là một trong những nét văn hóa được phát huy mạnh mẽ đưa vào sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.
Các lợi thế đó đã được phát huy như thế nào thưa ông?
Vốn là mảnh đất với nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch, từ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh…, các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang, đặc biệt là phát triển du lịch.
Nhiều lễ hội truyền thống gắn với các sự kiện thường niên đã từng bước trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh Hà Giang, điển hình như: Lễ hội hoa Tam giác mạch, Tuần văn hóa di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Lễ hội Khèn Mông… Song song với đó, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc tiếp tục được bảo tồn, phục dựng như: Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông… Các ngành chức năng cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp dạy nhạc cụ, dân ca, dân vũ truyền thống, góp phần phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.
Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn đã thu hút đông đảo du khách |
Đơn cử như nghệ thuật múa Khèn, hàng năm, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, cũng như có những trải nghiệm ý nghĩa với bộ môn nghệ thuật dân gian độc đáo này, tại các địa phương có đa số đồng bào dân tộc Mông sinh sống như Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Xín Mần…Hà Giang đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động lễ hội biểu diễn các bài múa khèn Mông vừa tạo không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống cho cộng đồng dân tộc Mông cũng là dịp để du khách trong và ngoài nước có dịp để cùng tham gia vào các hoạt động lễ hội có cơ hội cùng giao lưu về văn hóa giữa người dân và du khách, tạo nên một sản phẩm du lịch vô cùng đặc sắc và hấp dẫn.
Trong khi đó, Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn là một tục lệ mang tính tâm linh tiêu biểu, độc đáo, đây là dịp để mọi người cùng nhau vui chơi, thư giãn và gắn kết cộng đồng. Theo truyền thống lễ hội được tổ chức vào ngày 16 tháng 10 âm lịch hàng năm, tuy nhiên hiện nay để đáp ứng nhu cầu giao lưu, tìm hiểu về văn hóa truyền thống dân tộc bản địa của du khách trong và ngoài nước. Địa phương và cộng đồng dân tộc Pà Thẻn đã cùng nhau đưa nét độc đáo của tục lệ này để biểu diễn phục vụ cho du khách thưởng thức.
Có thể thấy rằng việc gắn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc nói chung và lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn nói riêng thành sản phẩm du lịch đã và đang được chính quyền địa phương, người dân và các doanh nghiệp du lịch quan tâm chú trọng phát huy, kết hợp phong phú, hấp dẫn xen kẽ với rất nhiều các hoạt động văn hóa độc đáo của địa phương như thể thao dân gian, chế tác các sản phẩm thủ công truyền thống, thưởng thức các sản vật đặc trưng của địa phương. Tạo nên những dấu ấn vô cùng ý nghĩa cho du khách khi đến thăm quan và trải nghiệm sản phẩm du lịch độc đáo này.
Vậy các sản phẩm du lịch đó đã góp phần vào công tác bảo tồn văn hóa và giúp người dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo như thế nào, thưa ông?
Việc đưa các giá trị văn hóa truyền thống trở thành sản phẩm du lịch đã góp phần bảo tồn và phát huy tích cực các giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang. Đồng thời khơi dậy ý thức tự hào và bảo vệ các giá trị văn hóa đó trong cộng đồng đặc biệt là thế hệ trẻ.
Nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội được nâng lên; hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển du lịch được quan tâm đầu tư; một số khu, điểm du lịch dần được hình thành, các làng văn hóa du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả... thu hút ngày càng đông du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Giang. Nhờ đó, tăng trưởng khách du lịch bình quân trên 15%/năm.
Nhiều làng văn hóa du lịch đã được hình thành ở Hà Giang |
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch Hà Giang nhanh chóng phục hồi trở lại, đón 1,5 triệu lượt khách (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019); tạo ra 12.000 việc làm, trong đó có 6.000 việc làm trực tiếp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Đầu năm 2021, Hà Giang nằm trong top 10 điểm đến hấp dẫn ở Việt Nam do hãng truyền thông quốc tế CNN bình chọn.
rong 9 tháng đầu năm 2022, Hà Giang đón 1.525.638 (tăng 240% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 102% chỉ tiêu kế hoạch năm 2022), trong đó 26.022 lượt khách quốc tế, khách nội địa là 1.499.616 lượt người, doanh thu du lịch đạt 3.051 tỷ đồng.
Đặc biệt, việc kết hợp phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch cũng được các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhờ đó vừa hỗ trợ khôi phục cho các làng nghề truyền thống, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh.
Đến nay, các địa phương trong toàn tỉnh đã đăng ký 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó có 15 làng văn hóa du lịch tiêu biểu được UBND tỉnh công nhận. Một số làng văn hóa du lịch thu hút được lượng lớn khách tham quan như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm (Quản Bạ); Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Hạ Thành (thành phố Hà Giang); Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi Hạ (Mèo Vạc)… Thu nhập bình quân của các hộ làm dịch vụ du lịch bình quân đạt 50 - 70 triệu đồng/năm.
Phát triển du lịch trở thành nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; là khâu đột phá trong phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Ngày 2/8/2021 Nghị quyết số 11-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025 ra đời, ghi dấu quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nghị quyết khẳng định: Phát triển du lịch phải phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế gắn với nâng cao nhận thức và đời sống cho nhân dân, giảm nghèo bền vững, phát huy văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc bản địa.
Với những cố gắng, nỗ lực đoàn kết quyết tâm thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp du lịch, sự hỗ trợ tương tác của các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, trong thời gian tới du lịch Hà Giang sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn không thể thiếu trong hành trình của du khách.
Xin cảm ơn ông!