Hà Giang: Nắm bắt thời cơ, tận dụng cơ hội, đưa kinh tế xã hội địa phương “về đích”
Thưa ông, năm 2022, cả nước phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen bởi tình hình phức tạp của thế giới. Hà Giang đã có những giải pháp gì để tận dụng cơ hội, tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội địa phương?
Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang |
Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn đan xen. Đó là tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường do dịch bệnh Covid-19; xung đột Nga - Ukraine xảy ra; lạm phát, tỷ giá biến động, đứt gẫy các chuỗi cung ứng... Trong nước, nền kinh tế chuyển trạng thái từ mở cửa thận trọng, lo ngại dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại sang đẩy mạnh mở cửa các ngành, lĩnh vực, đưa đời sống nhân dân trở lại trạng thái bình thường; ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm…
Trong năm 2022, tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có thuận lợi và cũng nhiều khó khăn, thách thức. Song được sự giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chủ động bám sát chủ trương, định hướng của Trung ương, vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tiễn của tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Theo đó, UBND tỉnh đã triển khai giao chỉ tiêu kế hoạch cho các đơn vị, đồng thời tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 từ rất sớm (giữa tháng 12/2021); kịp thời ban hành Kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết, chỉ đạo điều hành của Chính phủ; tổ chức triển khai các chính sách của Trung ương và các nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án của tỉnh.
Trong đó, tỉnh đã ban hành 06 Chỉ thị; 07 Chương trình hành động; 84 Kế hoạch chuyên đề trên các lĩnh vực. Đồng thời ban hành, triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 14/3/2022 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023 trên địa bàn tỉnh; khẩn trương thực hiện các thủ tục để triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Trung ương. Tổ chức triển khai nhiều chương trình, các Đề án lớn của Tỉnh như: Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững; Phát triển bền vững cây cam sành; Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Thường xuyên tổ chức kiểm tra thực địa, giám sát việc đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm; Chỉ đạo và đề ra nhiều giải pháp quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ODA, như: Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - Tiểu dự án Hà Giang; Dự án hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - tiểu dự án tỉnh Hà Giang; Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8); Chỉ đạo nhiều giải pháp quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách nhà nước, cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Thành lập các đoàn công tác trực tiếp đi làm việc, kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở…
Sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt đó đã mang lại kết quả sản xuất kinh doanh ra sao cho doanh nghiệp, thưa ông?
Dưới sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành khắc phục khó khăn của doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, tạo được nhiều dấu ấn nổi bật, sức cạnh tranh, quy mô của nền kinh tế được nâng lên. Các ngành, lĩnh vực sản xuất chính đạt được nhiều kết quả tích cực, quốc phòng, an ninh được đảm bảo.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm việc với nhà đầu tư |
Theo đó, toàn tỉnh đã có 29/36 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (tỷ lệ 80,1%). Cụ thể, về chỉ tiêu phát triển kinh tế, có 10/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Về chỉ tiêu xã hội, có 14/19 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Đối với chỉ tiêu môi trường, 05/05 chỉ tiêu đạt kế hoạch.
Đồng thời, Chương trình Mục tiêu quốc gia đã được triển khai tích cực, hoàn thành 12 Nghị quyết, 08 Quyết định và nhiều văn bản triển khai thực hiện thuộc thẩm quyền của HĐND và UBND tỉnh; Hoàn thành việc phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển, kinh phí sự nghiệp thực hiện 03 Chương trình giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các cơ quan, đơn vị, huyện, thành phố. Hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng danh mục đầu tư; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để triển khai các dự án đã được UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện năm 2022.
Bên cạnh đó, các Dự án thuộc Chương trình phục hồi, kinh tế xã hội (gồm: Đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giangvà các dự án đầu tư nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở) đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư; được UBND tỉnh phê duyệt dự án, hiện đang hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức đầu thầu lựa chọn nhà thầu để khởi công xây dựng.
Các nhiệm vụ quy hoạch tỉnh được tập trung triển khai và hoàn thiện đảm bảo tiến độ đề ra. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định Quốc gia để tổ chức Hội nghị thẩm định, dự kiến trong tháng 12/2022.
Công tác chuyển đổi số được triển khai tích cực đồng bộ trên cả 03 phương diện: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Các xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số; 2.071 Tổ công nghệ số cộng đồng với 12.131 hội viên tham gia. Triển khai thực hiện Đề án 06, trong đó đã thành lập 2.276 Tổ công tác với 12.329 thành viên tham gia; Tổ chức thu nhận và xử lý 84.306 hồ sơ CCCD; 106.216 hồ sơ định danh điện tử; có 04 doanh nghiệp chuyển đổi số mô hình quản trị.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP giá so sánh) năm 2022 đạt 16.286 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2021. Trong đó Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,04%, đóng góp 1,52 điểm phần trăm; Khu vực công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng 15,25%, đóng góp 3,61 điểm phần trăm; Khu vực dịch vụ tăng 5,97%, đóng góp 2,42 điểm phần trăm; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,0%, đóng góp 0,23 điểm phần trăm.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 13.790 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2021, đạt 102,1% kế hoạch. Trong đó: Vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước thực hiện 5.518 tỷ đồng, tăng 30,1% so với cùng kỳ; Vốn ngoài Nhà nước 8.223 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 48,5 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực Công Thương, sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, tăng trưởng khá; Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 16,8% (Vượt kế hoạch đề ra). Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 14.088 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2021 (Vượt kế hoạch đề ra).
Đặc biệt, sn sinh xã hội được đảm bảo, giải quyết kịp thời các chế độ chính sách, số hộ nghèo giảm 8.784 hộ, an ninh quốc phòng được giữ vững.
Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, có ý nghĩa quan trọng, là năm bản lề trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Hà Giang đề ra những mục tiêu ra sao cho năm quan trọng này, thưa ông?
Đối với Hà Giang, những khó khăn của tỉnh không nằm ngoài khó khăn chung của cả nước; sự chi phối về chính sách xuất nhập khẩu từ phía Trung Quốc tiếp tục gây khó khăn doanh nghiệp xuất nhập khẩu và lực lượng chức năng trong việc thông quan hàng hoá. Cùng với đó, lạm phát có xu hướng gia tăng, chưa được kiểm soát; thiên tai tiềm ẩn nguy cơ xảy ra; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi có thể phát sinh, dịch tả lợn châu Phi chưa được kiểm soát triệt để. Giải quyết việc làm chưa bền vững. Tình trạng mất an ninh trật tự có thể xảy ra nếu không giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội.
Tuy nhiên, năm 2023 cũng có nhưng thuận lợi và cơ hội cho phát triển kinh tế xã hội, đó là: Các chính sách, đề án, chương trình trọng điểm, nhất là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; Dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang được khởi công xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh; Chương trình Mục tiêu quốc gia được triển khai, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân, cải thiện hạ tầng giao thông, điều kiện giao thương, thúc đẩy sản xuất, cải thiện sinh kế cho người dân.
Hoạt động du lịch sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2023, hình ảnh thiên nhiên và con người Hà Giang tiếp tục thu hút được sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế gắn với phục hồi kinh tế trong nước, nhiều nhà đầu tư sẽ tìm kiếm những cơ hội đầu tư vào Hà Giang trong nhiều lĩnh vực có thế mạnh; những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách trong những năm qua tiếp tục là nền tảng vững chắc, là những yếu tố tích cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Trong bối cảnh đó, Hà Giang đặt mục tiêu huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực. Tiếp tục thực hiện quan điểm, định hướng về phát triển kinh tế xã hội của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các Nghị quyết chuyên đề giai đoạn 2021-2025 của Tỉnh ủy đã ban hành. Nâng cao giá trị sản xuất, xây dựng các chuỗi giá trị bền vững gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao. Phát triển mạnh mẽ ngành du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, phong cảnh, bản sắc văn hóa các dân tộc. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, nâng cao hiệu quả thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh tạo động lực phát triển; thực hiện đồng bộ, hiệu quả chuyển đổi số. Cải thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe và đời sống tinh thần của nhân dân. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm. Quản lý chặt chẽ, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hà Giang phấn đấu đạt các chỉ tiêu chính như tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,0%; Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 38,2 triệu đồng; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 14.800 tỷ đồng; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 3.000 tỷ đồng; Thu hút 2,5 triệu lượt khách du lịch; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10% so với năm 2022; Tổng giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu qua cửa khẩu đạt 230 triệu USD; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 10% so với năm 2022; Tăng trưởng tín dụng đạt 8%; Tỷ lệ đô thị hóa: 23,4%...
Xin cảm ơn ông!