Gỡ vướng cho chợ truyền thống
Vướng từ chính sách
Chợ truyền thống đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phân phối hàng hóa chung của cả nước, song hiện nay, công tác đầu tư cho phát triển chợ truyền thống ở các địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều chợ do nhà nước đầu tư trước đây tới nay đã xuống cấp |
Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ quy định không cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo chợ. Trong khi đó, nhiều chợ do nhà nước đầu tư trước đây tới nay đã xuống cấp, lại không ở vị trí hấp dẫn doanh nghiệp (DN) đầu tư vào... nên gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí mất an toàn và không bảo đảm vệ sinh môi trường.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2018, cả nước có 8.475 chợ, trong đó, có 229 chợ hạng 1; 903 chợ hạng 2; 7.205 chợ hạng 3 và 138 chợ chưa phân hạng. Những năm qua, nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, huy động từ DN, hộ kinh doanh và một phần từ ngân sách địa phương; từ ngân sách trung ương không đáng kể. Trong giai đoạn 2003-2007, nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ từ ngân sách trung ương cho địa phương được lập thành một hạng mục riêng.
Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nằm trong nguồn vốn chung của ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương. Trong Công văn số 2280/BKHĐT-KTDV của Bộ Kế hoạch - Đầu tư gửi Bộ Công Thương ghi rõ: “Việc xây dựng hạ tầng chợ thuộc đối tượng đầu tư của các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các vùng. Trong giao vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước hàng năm các chương trình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ giao tổng số, không giao chi tiết danh mục công trình, dự án. Việc giao chi tiết cho từng dự án thuộc thẩm quyền quyết định của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.
Khuyến khích các thành phần kinh tế
Theo Bộ Công Thương, trong điều kiện nguồn ngân sách trung ương còn hạn chế, việc chủ động cân đối ngân sách địa phương để phát triển hạ tầng thương mại là cần thiết. Việc sử dụng vốn đầu tư hiện nay thực hiện theo quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị: UBND các tỉnh quan tâm, phân bổ vốn hỗ trợ đầu tư phát triển chợ tại địa phương; đồng thời, căn cứ vào quy định, cơ chế, chính sách chung của trung ương và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để cụ thể hóa thành chính sách riêng của tỉnh nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển chợ.
Văn phòng Chính phủ cũng đã có Công văn số 12070/VPCP-KTTH về việc báo cáo thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng thương mại, theo đó giao Bộ Công Thương rà soát, đánh giá việc thực hiện các nghị định về phát triển và quản lý chợ, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã rà soát, có văn bản gửi các địa phương đề nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP; đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng kết, đánh giá về công tác phát triển và quản lý chợ.
Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị định về phát triển và quản lý chợ. Trên cơ sở đó đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ. |