Thiệt hại lớn
Sau 2 năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” với hải sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường này đã giảm 6,5%. So với năm 2017, xuất khẩu hải sản sang Liên minh châu Âu (EU) năm 2019 giảm 10,3%. Từ vị trí thứ hai trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, sau “thẻ vàng”, thị trường EU đã xuống vị trí thứ 5 và tỷ trọng thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá, “thẻ vàng” đã tác động xấu và trực tiếp tới xuất khẩu hải sản. Nhiều khách hàng truyền thống của thủy sản Việt Nam tại EU e ngại việc bị phạt theo quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của EC nên giảm hoặc ngừng nhập khẩu hải sản của Việt Nam.
Đáng chú ý, trong thời gian bị thẻ vàng, 100% container hàng hải sản xuất khẩu từ nước bị “thẻ vàng” sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Việc kiểm tra gây thiệt hại cho doanh nghiệp cả về chi phí vận tải, thủ tục, thời gian, thậm chí sẽ tổn thất nặng nề hơn khi bị trả lại.
Tập trung khai thác hải sản theo hướng bền vững |
Nguy cơ “thẻ đỏ”
EU là một trong 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam hiện nay, chiếm 15 - 17% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường ổn định ở mức trên 1,3 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm qua (2015-2019). Top 5 nước trong EU nhập khẩu thủy sản Việt Nam nhiều nhất bao gồm Đức, Italia, Hà Lan, Pháp và Tây Ban Nha, chiếm 58 - 65% tổng số xuất khẩu sang EU.
Nếu không sớm được gỡ bỏ, việc nhận “thẻ vàng” từ EC sẽ gây ra nhiều tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp tới việc xuất khẩu hải sản sang EU của Việt Nam, sau đó sẽ sớm ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác. Một trong những điều kiện tiên quyết để Việt Nam gỡ cảnh báo “thẻ vàng” là phải chấm dứt tàu cá vi phạm bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Tổng cục Thủy sản cho hay, từ đầu năm 2018 đến nay đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm ở vùng biển các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực vẫn còn tiếp diễn.
“Thẻ vàng” về khai thác IUU của EC và nguy cơ “thẻ đỏ” đã, đang tiếp tục là một thách thức lớn của ngành thủy sản nói riêng, ngành nông nghiệp và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Giải quyết được khó khăn, tồn tại này cũng là thực hiện được mục tiêu lâu dài của Việt Nam trong việc tổ chức lại ngành khai thác hải sản theo hướng bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với pháp luật thủy sản quốc tế.
Hiện, các đơn vị liên quan của Việt Nam tiếp tục nỗ lực khắc phục theo các khuyến nghị được EC đưa ra; chuẩn bị chu đáo, hiệu quả kế hoạch và nội dung tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC sang Việt Nam sắp tới để đánh giá lại nhằm xóa “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam. |