Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nhờ vào những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cấp cơ sở hạ tầng, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá có nhiều lợi thế trong thu hút dòng vốn FDI.
Các lợi thế này thể hiện ở môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng với nguồn cung dồi dào. Đặc biệt, các chính sách thu hút FDI của Việt Nam thời gian qua được đánh giá thông thoáng, nhằm khuyến khích thu hút dòng vốn FDI thông qua cải cách thủ tục hành chính và ưu đãi đầu tư.
Cần điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động |
"Điển hình là Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 tiếp tục thể hiện chính sách đầu tư nước ngoài cởi mở của Việt Nam bằng cách cắt giảm một số thủ tục hành chính về đầu tư" - TS. Nguyễn Bích Lâm thông tin.
Với những lợi thế trên, năm 2020, bất chấp diễn biến của dịch Covid-19, thu hút FDI vào Việt Nam vẫn đạt 28,53 tỷ USD. Kết quả này được đánh giá cao trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu năm 2020 giảm 35% xuống còn 1.000 tỷ USD. 10 tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Việt Nam, nhưng dòng vốn FDI thu hút được vẫn đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù có những lợi thế nhất định trong thu hút dòng vốn ngoại, song "cuộc đua" thu hút dòng vốn FDI giữa các quốc gia trên thế giới vẫn rất gay gắt. Để tiếp tục tạo sức hấp dẫn, đồng thời gia tăng hiệu quả với dòng vốn FDI, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào 6 giải pháp. Thứ nhất, rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động, bất trắc của nền kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trên thế giới. Đồng thời, xây dựng lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI với điều kiện đầu tư, hệ thống pháp luật minh bạch, dễ dự đoán trên nền tảng phát triển kinh tế thị trường kết nối an toàn cân bằng các quy tắc của pháp luật.
Thứ hai, Chính phủ cần xác định cụ thể danh mục ngành, lĩnh vực cần thu hút FDI và ngành lĩnh vực chỉ các nhà đầu tư trong nước thực hiện. Đặc biệt, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới, nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có năng lực, khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để giữ chân và đảm bảo an ninh quốc gia của đất nước.
Thứ ba, Chính phủ cần xác định ngưỡng cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp cổ phần hóa.
Thứ tư, tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô vững mạnh, ổn định; có chiến lược đúng trong xử lý dịch Covid-19, đồng thời đẩy nhanh quá trình tiêm chủng để đưa các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường, xóa bỏ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lao động và tạo dựng niềm tin, sự an tâm cho nhà đầu tư.
Thứ năm, Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan đánh giá các mặt được, những điểm còn tồn tại trong thu hút FDI, từ đó phát huy những điểm mạnh, khắc phục những tồn tại nhằm mang lại hiệu quả hơn trong thu hút FDI.
Thứ sáu, để không đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần phối hợp với các địa phương khẩn trương hỗ trợ mạng lưới đào tạo nghề, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.
Theo dự báo, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2021 có thể đạt mức gần 30 tỷ USD, tương đương với kết quả năm 2020 và thu hút FDI năm 2022 dự báo sẽ có nhiều khởi sắc hơn năm nay. |