Thứ năm 26/12/2024 18:08

Giảm lãi suất tối thiểu 1%/năm cho doanh nghiệp lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long

Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất thực hiện Đề án một triệu héc-ta lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm tối thiểu 1%/năm.

Đó là thông tin được Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Túđưa ra tại Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, UBND tỉnh Đồng Tháp chức ngày 7/11, tại Đồng Tháp.

Ưu tiên cơ chế chính sách tín dụng cho ngành lúa gạo

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh: lúa gạo là một trong những ngành sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tạo ra những bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của xu thế quốc tế mới, khẳng định và giữ vững vị thế của thương hiệu gạo của nước ta trên thị trường quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 (Quyết định số 1490) phê duyệt Đề án: “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao).

“Ngân hàng Nhà nước và ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển sản xuất kinh doanh nói chung và trong sản xuất lúa chất lượng cao nói riêng” - Phó Thống đốc cho biết.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NHNN

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin thêm, hằng năm, Ngân hàng Nhà nước Trung ương và các chi nhánh tại địa phương đều tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và các Hội nghị chuyên đề về tín dụng đối với ngành nông sản chủ lực và lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung cho vay, mở rộng hạn mức tín dụng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay... để đáp ứng vốn từ khâu sản xuất (phân bón, giống, vật tư...) đến khâu chế biến, thu mua, tiêu thụ nông sản và lúa gạo; qua đó tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong quan hệ tín dụng cho hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo.

Đến cuối tháng 9/2024, huy động trên địa bàn các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 857 nghìn tỷ đồng (đáp ứng 72% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn), tăng 6,1% so với cuối năm 2023; tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của vùng đạt khoảng 643 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với 2023, chiếm 54% tổng dư nợ trên địa bàn.

Riêng đối với ngành lúa gạo - là thế mạnh của vùng luôn có mức tăng trưởng tín dụng cao, hiện đạt khoảng 124 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2023, chiếm khoảng 11% dư nợ tín dụng vùng và chiếm 53% dư nợ tín dụng lúa, gạo toàn quốc.

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NHNN

Nêu cụ thể về nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước tại Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành, UBND 12 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long và đơn vị liên quan xây dựng và có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 1490.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có các văn bản gửi các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long hướng dẫn triển khai Chương trình; Văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND 12 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long về phối hợp triển khai một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ của Bộ, địa phương để các tổ chức tín dụng có cơ sở thực hiện cho vay theo Chương trình.

Theo bà Giang, chương trình cho vay sẽ triển khai theo 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn thí điểm từ nay tới cuối năm 2025 do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là ngân hàng chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030 tại các tổ chức tín dụng. “Hiện nay, căn cứ vào nội dung khung Chương trình cho vay theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ để triển khai thí điểm cho vay. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng khác đăng ký cho vay trong giai đoạn thí điểm và đề nghị các ngân hàng sẵn sàng văn bản hướng dẫn để triển khai ngay trong giai đoạn mở rộng thực hiện” - bà Giang cho hay.

Lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, các tổ chức tín dụng sẽ chủ động cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí để xem xét áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn/cùng nhóm.

Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng giám đốc Agribank phát biểu. Ảnh: NHNN

Là ngân hàng chủ lực đầu tư cho khu vực tam nông nói chung và chương trình trên nói riêng, bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, để triển khai Quyết định số 1490, Agribank và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết Bản ghi nhớ số 19/TTHT/MARD-AGRIBANK ngày 8/12/2023 để cung cấp các sản phẩm dịch vụ của Agribank cho các đối tượng phù hợp với mục tiêu của Đề án, bao gồm dịch vụ tiền gửi, dịch vụ tiền vay và dịch vụ tài chính.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản số 8364/NHNN-TD hướng dẫn các tổ chức tín dụng triển khai Chương trình cho vay, Agribank đã ban hành các văn bản hướng dẫn nội bộ, các sản phẩm cho vay cụ thể tới từng nhóm đối tượng khách hàng để tổ chức triển khai Chương trình. Cụ thể, về thời gian, kể từ ngày ban hành đến hết ngày 31/12/2030, trong đó, triển khai thí điểm đến 31/12/2025. Về đối tượng cho vay là các cá nhân, hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo; Tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp có tên trong danh sách tham gia liên kết lúa gạo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố. Ngân hàng thực hiện cho vay phục vụ nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của tất cả các khâu trong liên kết lúa gạo để phục vụ Đề án 1 triệu héc-ta lúa. Hiện nay, Agribank đang xây dựng sản phẩm cho vay khép kín tới tất cả đối tượng tham gia chương trình 1 triệu héc ta lúa, từ hộ gia đình, cá nhân trồng lúa đến các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, đơn vị chế biến xuất khẩu.

Phối hợp đồng bộ từ trung ương tới địa phương

Để triển khai Chương trình cho vay đạt hiệu quả, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề xuất: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần kịp thời tổng hợp, công bố chung các vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo quy định tại Quyết định số 1490 để các tổ chức tín dụng tiếp cận, xem xét, quyết định cho vay.

UBND 12 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long xác định, lập danh sách và công bố vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn theo Quyết định số 1490 theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp và công bố chung để tổ chức tín dụng tiếp cận, xem xét, quyết định cho vay...

Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long

Các địa phương cần giao cơ quan chuyên môn của địa phương căn cứ định mức kinh tế kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành để xác định và công bố trên trang thông tin điện tử của tỉnh, thành phố về định mức chi phí thực tế thực hiện khâu sản xuất lúa gạo trong liên kết lúa gạo theo tiêu chuẩn tại Quyết định số 1490 để các tổ chức tín dụng tham khảo xác định mức cho vay đối với khách hàng. Chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành trên địa bàn theo dõi, đôn đốc, giám sát các chủ thể tham gia liên kết lúa gạo trong việc thực hiện cam kết trong quá trình triển khai Đề án.

Đối với ngành ngân hàng, Phó Thống Đào Minh Tú chỉ đạo: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh 12 tỉnh, thành phố tại đồng bằng sông Cửu Long: Chỉ đạo, theo dõi việc cho vay theo Chương trình của các chi nhánh Agribank trên địa bàn; kịp thời tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh, thành phố xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai cho vay.

Riêng với ngân hàng chủ lực Agribank, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh cho vay theo Chương trình; xác định việc thực hiện cho vay trong giai đoạn thí điểm là nhiệm vụ chính trị; Tăng cường công tác truyền thông, thông tin tại vùng đồng bằng sông Cửu Long để các khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân biết và tiếp cận chính sách. Kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình cho vay theo chương trình.

Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các ngân hàng thương mại khác xem xét đăng ký cho vay trong giai đoạn thí điểm và sẵn sàng văn bản hướng dẫn để triển khai ngay trong giai đoạn mở rộng thực hiện.

Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng cần hướng dẫn, tuyên truyền về Chương trình cho vay để các thành viên nắm bắt, tiếp cận chính sách thuận lợi. Với các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Đề án, cần chủ động phối hợp cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động, xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh... để các ngân hàng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay. Cần thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung trong thỏa thuận liên kết giữa các bên; thỏa thuận cho vay ký kết với các tổ chức tín dụng cho vay.

“Với sự quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, sự vào cuộc triển khai đồng bộ của bộ, ngành, địa phương và của các tổ chức tín dụng, trong đó chủ lực cho vay Chương trình trong giai đoạn thí điểm là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ đạt hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao sản lượng và giá trị xuất khẩu ngành hàng lúa gạo, mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu và nâng cao vị thế của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú bày tỏ tin tưởng.

Thuỳ Linh - Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

VNDirect: Nhu cầu tín dụng tăng tốc, các ngân hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động dịp cuối năm

Nam A Bank – Ngân hàng đầu tiên phối hợp Napas triển khai dịch vụ thanh toán di động Tap & Pay

Global Banking & Finance Review trao tặng 2 giải thưởng bán lẻ cho VietinBank

Cổ phiếu CTC đứng trước nguy cơ 'xóa sổ'

Cổ phiếu HHV: Nhiều triển vọng bứt phá năm 2025

Sang tuần, UPCoM đón thêm 'tân binh' là công ty hóa chất 45 năm tuổi

Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP hơn 8% trong năm 2025

Nuôi dưỡng nguồn thu thuế vì nền tài chính lành mạnh của quốc gia

LPBank bổ nhiệm thêm thành viên Ban điều hành, tạo động lực cho chiến lược phát triển toàn diện

'Cái bắt tay' trị giá 100 tỷ USD giữa ông Donald Trump và tỷ phú Nhật Bản

F88 cung cấp dịch vụ ngân hàng sau ký kết hợp tác chiến lược với MB

Chứng khoán Bảo Việt: đón nhận nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế 25 năm trên thị trường

Sớm thành lập các trung tâm tài chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

D2D dự chi 233 tỷ đồng làm 6 nhà xưởng cho thuê, hoàn vốn sau 10 năm

VietinBank mở rộng thanh toán xuyên biên giới sang Lào

Bac A Bank ra mắt giao diện mới của ứng dụng ngân hàng điện tử

Việt Nam là điểm sáng trong chính sách đầu tư của các tập đoàn toàn cầu

Phó Thủ tướng: Ngành ngân hàng triển khai hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trên tinh thần ‘cả hai cùng thắng’

Ngành ngân hàng tập trung tái cơ cấu trong năm 2025

Dòng vốn 3.000 tỷ đồng kỳ vọng vực dậy DIC Corp