Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 sẽ trao cho bốn công trình xuất sắc
Bốn công trình được trao giải gồm: Công trình “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vaccine cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam” của tập thể tác giả: GS.TS. Lê Trần Bình, PGS.TS. Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, TS. Trần Xuân Hạnh, Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương. Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine cúm gia cầm H5N1 đạt chất lượng sử dụng ở quy mô công nghiệp, trước mắt bảo đảm cung cấp một phần vaccine, tiến tới thay thế hoàn toàn vacxin nhập khẩu để phục vụ cho công tác tiêm phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm nuôi ở nước ta.
Công trình “Nghiên cứu tổ hợp vật liệu đặc chủng phục vụ chế tạo bộ hỗ trợ chiến đấu cho người lính và lõi đạn xuyên động năng 85mm” của tập thể tác giả: TS. Nguyễn Văn Thao, Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; PGS.TS. Đoàn Đình Phương, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; TS. Lê Văn Thụ, Cục Trang bị và Kho vận, Bộ Công an.
Họp báo công bố bốn công trình sẽ nhận giải thưởng Trần Đại Nghĩa 2019, diễn ra sáng 13/5 tại Hà Nội |
Công trình “Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế” của tập thể tác giả: PGS.TS. Trịnh Văn Tuyên, KSC. Mai Trọng Chính, Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Thế Đồng, Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT. “Ưu điểm vượt trội của các công nghệ xử lý này so với các công nghệ xử lý chất thải khác đang được ứng dụng ở nước ta là chi phí đầu tư và chi phí xử lý thấp, vận hành đơn giản, đạt hiệu quả xử lý môi trường” – Đại diện nhóm tác giả, PGS.TS. Trịnh Văn Tuyên cho biết.
Công trình “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long” của tác giả: GS.TS. Nguyễn Thị Lang, Viện Nghiên cứu nông nghiệp Công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long. Theo GS.TS. Nguyễn Thị Lang: Điểm nổi bật của công trình là đã chọn tạo thành công các giống lúa chịu mặn có nguồn gốc từ giống lúa trời, địa phương gọi là "lúa ma” ở vùng Đồng Tháp Mười, tạo nên một giống lúa mới, đóng góp thiết thực vào sự phát triển sản xuất lúa gạo trong nước và nâng cao vị trí ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam trên thế giới.
Mỗi công trình được nhận giá trị tiền thưởng là 200.000.000 VNĐ, gồm kinh phí theo quy định nhà nước hiện hành và phần hỗ trợ của doanh nghiệp, là đối tác nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHCNVN để thương mại hóa.
Hội đồng khoa học chuyên ngành và Hội đồng Giải thưởng đánh giá: Các công trình năm nay có chất lượng khoa học và công nghệ cao, là thành quả đúc kết từ quá trình nghiên cứu nhiều năm liền và đặc biệt có sự liên kết, phối hợp của nhiều ngành khoa học.
Giải thưởng Trần Đại Nghĩa của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm KHCNVN) được tổ chức lần thứ 3, nhằm trao tặng và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu xuất sắc nhất về khoa học tự nhiên và công nghệ; trực tiếp tổ chức triển khai ứng dụng các kết quả đó để đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước.