Giải pháp nào để doanh nghiệp dệt may TP. Hồ Chí Minh vượt thách thức?
TP. Hồ Chí Minh là trung tâm thiết kế thời trang, trung tâm sản xuất mẫu mã, cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu, công nghệ dệt may của cả nước với hàng trăm doanh nghiệp hoạt động. Trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp dệt may của thành phố luôn đóng góp trên 10 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu mỗi năm cho ngành dệt may cả nước. Tuy vậy, 2 năm qua, do tác động của đại dịch, ngành dệt may thành phố đã bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất.
Theo Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh, mặc dù từ đầu năm nay, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành dệt may thành phố đã từng bước phục hồi với kim ngạch xuất khẩu đạt 6,4 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Nhưng kể từ đầu quý III/2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may thành phố lại phải đối mặt với một số thách thức mới liên quan đến lao động, thị trường và nguyên liệu đầu vào tăng cao, thiếu hụt.
Doanh nghiệp dệt may TP. Hồ Chí Minh đang đối mặt với nhiều thách thức sau đại dịch |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương bên lề Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 11/8, ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết: Căng thẳng xung đột Nga - Ukraina cùng lạm phát tăng cao đã khiến sức mua tại 2 thị trường xuất khẩu chủ lực của dệt may thành phố là EU, Mỹ giảm mạnh. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu chưa phục hồi và vấn đề mất cân đối lao động đang là thách thức không nhỏ với doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, để chủ động thích ứng và tạo đòn bẩy giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, ông Việt kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài các chính sách hỗ trợ đã có đến hết quý I/2023. Cụ thể là tiếp tục được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Lý do, việc dừng cơ cấu nợ theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước từ ngày 1/7/2022 đã làm mất cân đối dòng tiền của doanh nghiệp dệt may, bởi các đơn hàng thường được sản xuất trong thời gian từ 3-6 tháng. Nếu dừng cơ cấu nợ đến hạn sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, ông Việt cũng đề xuất xây dựng cơ chế tín dụng đặc thù để khuyến khích doanh nghiệp đột phá trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ để tạo ra hệ sinh thái tương tác, tích hợp giữa các loại hình hoạt động khác nhau.
Đặc biệt, theo ông Việt, phải cấp thiết hình thành hệ sinh thái và Trung tâm thời trang tại TP. Hồ Chí Minh với các chức năng chính gồm đào tạo thiết kế; trưng bày nguyên phụ liệu; quảng bá, tiêu thụ sản phẩm dệt may; bảo tàng và trình diễn thời trang. Có như vậy mới giúp gia tăng chuỗi giá trị, phát triển công nghiệp thời trang Việt Nam, đồng thời tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch, kéo theo sự phát triển của các ngành thương mại, dịch vụ, logistics..
Ngoài ra, doanh nghiệp may thành phố còn kiến nghị Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý, minh bạch thị trường, kiện toàn các chính sách kinh tế vĩ mô để từ đó tạo thêm nguồn lực cho doanh nghiệp dệt may phục hồi sản xuất, tăng tốc thực hiện những đơn hàng cuối năm.