Giải pháp cho Nghệ An nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động
Chuyên viên Hàn Quốc dạy nghề cho học sinh XKLĐ. Ảnh minh họa |
Xuất khẩu lao động có vai trò rất quan trọng đối với Nghệ An. Từ năm 2005-2015 Việt Nam đã có 125.099 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó Nghệ An đứng đầu cả nước về kết quả XKLĐ). Thị trường XKLĐ trong mấy năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, nếu như trước đây chỉ tập trung vào các thị trường dễ tính như Đài Loan, Malaysia, Lào, Thái… thì nay đã tập trung vào những thì trường đòi hỏi tay nghề cao và có thu nhập ổn định như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông… Điều đó cho thấy việc mở rộng thị trường đã được Nghệ An đặc biệt quan tâm. Lao động xuất khẩu nay được đào tạo khá bài bản, các doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh về số lượng, quy mô và hiệu quả.
Từ thực tiễn đó, XKLĐ Nghệ An cũng còn có nhiều điều đáng quan tâm. Số lượng lao động tăng nhưng chất lượng còn khá thấp, trong đó lao động phổ thông chiếm từ 60-70%. Hơn nữa, việc quản lý lao động ở nước ngoài còn yếu nên khi có tranh chấp hoặc sự cố, nhiều lao động phải chịu thiệt thòi. Cái khó nữa theo một số lao động thì việc tiếp cận các nguồn vốn vay tại ngân hàng còn phức tạp. Theo tiến sỹ kinh tế Trần Kim Hào, xuất hiện những hạn chế nêu trên là bởi địa phương đang thiếu một chiến lược dài hơi và bền vững cho XKLĐ như thiếu cơ chế, chính sách quản lý lao động trong quá trình XKLĐ và khi họ trở về quê hương.
Bên cạnh đó, quản lý nhà nước của các cấp chính quyền về XKLĐ chưa đồng bộ, thiếu gắn kết giữa các chủ thể tham gia quản lý XKLĐ. Công tác tuyên truyền chưa được coi trọng. Các đơn vị quản lý chưa tìm hiểu rõ năng lực của các đơn vị XKLĐ, nhiều doanh nghiệp còn lợi dụng danh nghĩa để làm cò mồi, lừa đảo, cư trú bất hợp pháp dẫn đến mất niềm tin của người lao động vào việc XKLĐ, từ đó gây không ít khó khăn cho hoạt động XKLĐ.
Tiến sỹ Trần Kim Hào cho biết thêm, XKLĐ không phải là công việc đột xuất mà là lâu dài nên phải đề ra lộ trình, nguồn lực và giải pháp chủ yếu. Trước hết Nghệ An cần đổi mới cơ chế chính sách, nâng cao năng lực quản lý của cán bộ các cấp.... Việc nghiên cứu phân tích và dự báo về thị trường XKLĐ giúp Nghệ An xác định rõ nhu cầu tuyển dụng lao động của thị trường cả về số lượng và chất lượng… từ đó có thể từng bước lập kế hoạch và tăng thị phần với từng loại lao động ví như thị trường có thu nhập cao, tiềm năng ổn định để có thể tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam.
Trước mắt, Nghệ An cần nâng cao sự phối hợp và trách nhiệm giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động XKLĐ và thúc đẩy công tác đào tạo, tạo ra nguồn lao động có chất lượng cao cho hoạt động XKLĐ. Mặt khác, tỉnh cần phải tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến thông tin, nhận thức về XKLĐ. Đặc biệt, Nghệ An cần chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp XKLĐ, phải xây dựng được một hệ thống những biện pháp xử lý đối với người lao động vi phạm hợp đồng và cần nâng cao trách nhiệm hơn trong việc hoàn tất nhanh thủ tục cho người lao động.