Giải ngân vốn FDI năm 2019 đạt kỷ lục
Năm 2019, bức tranh thu hút và giải ngân vốn FDI đã có nhiều điểm sáng. Tính đến ngày 20/12, tổng vốn FDI vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là con số cao nhất trong vòng 10 năm gần đây.
Công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhất |
Trong đó, vốn đăng ký mới là gần 17 tỷ USD, vốn điều chỉnh và tăng thêm là 5,8 tỷ USD và vốn góp mua cổ phần là 15,47 tỷ USD. Việc tăng cường nguồn vốn này rất quan trọng cho đầu tư phát triển tại Việt Nam, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế, tạo ra tăng trưởng, việc làm, thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, năm nay, ít có dự án quy mô lớn đăng ký đầu tư mới. Ngoài ra, dự án điều chỉnh mở rộng vốn cũng nhỏ hơn và không có dự án tăng vốn lớn như trong cùng kỳ năm 2018.
Theo đó, năm 2019, quy mô điều chỉnh mở rộng vốn của các dự án khá nhỏ, bình quân chỉ 4,2 triệu USD/lượt điều chỉnh, nhỏ hơn mức bình quân của năm 2018 là 6,5 triệu USD/lượt điều chỉnh. Cùng lúc đó, lại không có dự án tăng vốn lớn như trong cùng kỳ năm 2018.
Ngược lại, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần lại có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn FDI. Cụ thể, năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,9% tổng vốn đăng ký, năm 2019 chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký. Các nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp trong nước chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 45,8% tổng giá trị và kinh doanh bất động sản với 17,8% tổng giá trị.
Trong bức tranh chung về vốn FDI, điều đáng chú ý chính là giải ngân FDI đã đạt con số kỷ lục, với số giải ngân 20,38 tỷ USD. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh suy giảm chung của dòng FDI toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng vốn thực hiện là thành quả đáng khích lệ.
Mặc dù vậy, theo Cục Đầu tư nước ngoài, dù vốn giải ngân FDI năm 2019 tăng so với cùng kỳ nhưng có thể thấy rằng mức tăng đã có chiều hướng giảm tốc so với năm 2017 và 2018 (năm 2017 vốn thực hiện tăng 10,7% so với năm 2016, năm 2018 vốn thực hiện tăng 9,1% so với năm 2017).
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 24,56 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong vốn đăng ký cả về đăng ký vào các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng và góp vốn, mua cổ phần.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ…
Theo đối tác đầu tư, đã có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,92 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 7,87 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào Công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội, chiếm 48,9% tổng vốn đầu tư của Hồng Kông), Singapore đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,5 tỷ USD. Tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc,... Trong đó, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 1,65 lần, từ Hồng Kông tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Còn theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 62 tỉnh ,thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký 8,45 tỷ USD, chiếm 22,2% tổng vốn đầu tư. Vốn đầu tư tại Hà Nội chủ yếu là theo phương thức góp vốn, mua cổ phần với 6,47 tỷ USD, chiếm tới 76,6% tổng vốn đầu tư đăng ký của Hà Nội.