“Giải cứu” nông sản bằng thay đổi tư duy
Người nông dân cần chú trọng đến việc xây dựng phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa. Ảnh: N.Hiền |
Phải xây dựng phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm
Tuy đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 2 Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với năng lực sản xuất đạt trên 140 triệu tấn/năm, trong đó, nhiều mặt hàng đang đứng nhóm đầu trên thị trường thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản..., nhưng đặc thù các sản phẩm của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị thu về chưa tương xứng tiềm năng.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, một trong nguyên nhân của tình trạng trên là do khâu chế biến sâu để gia tăng giá trị còn hạn chế. Câu chuyện “được mùa rớt giá” của nông, thủy sản Việt Nam xảy ra xuất phát từ mối liên kết giữa nông dân, DN, nhà khoa học, nhà nước chưa chặt chẽ, dẫn đến thông tin thị trường chưa rõ ràng, định hướng sản xuất chưa phù hợp nhu cầu. Bên cạnh đó là thách thức về hạ tầng, logistics... gây cản trở lưu thông hàng nông sản tươi, thô.
Theo GS, TS Võ Tòng Xuân, câu chuyện nông sản được mùa rớt giá, giải cứu nông sản đã được nhắc đến trong nhiều năm qua. Khoảng 2 năm trở lại đây, hàng nông sản Việt Nam đi ra nước ngoài dễ dàng hơn; sản xuất, chế biến nông sản cũng có nhiều tiến bộ. Vấn đề lớn hiện nay là làm thế nào để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh với hàng nước ngoài ngay trên đất của mình và cạnh tranh được với các thị trường lân cận, nhất là Thái Lan. Hiện Nông dân Việt Nam đã chịu vào HTX để hình thành những vùng sản xuất lớn; có sản phẩm, nguyên liệu đồng nhất để cung cấp cho DN chế biến nhưng có rất ít HTX cùng nhau sản xuất. Thực tế có đến 70% nông dân thích làm ăn riêng lẻ, đất đai còn manh mún. Bên cạnh đó, liên kết giữa nông dân và DN rất lỏng lẻo, có tình trạng nông dân lẫn DN "bẻ kèo" trong các liên kết. Ngoài ra, nông sản Việt Nam không đồng đều về chất lượng nên sản phẩm không được nổi tiếng, nói cách khác là không có thương hiệu.
“Để nâng tầm nông, thủy sản Việt, trước hết cần tính toán xem từng địa phương có sản phẩm nào nổi bật nhất. Có địa phương có rất nhiều sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) nhưng đa phần sản phẩm của các tỉnh, thành na ná nhau. Ở cấp quốc gia cũng cần xác định giống nào, mô hình sản xuất nào cho từng tỉnh; các địa phương cần cạnh tranh nhau chứ không làm thương hiệu chung. Tiếp theo, cần khắc phục tình trạng nông dân sản xuất riêng lẻ, không theo quy trình khoa học đã hướng dẫn; cải thiện chất lượng thu hoạch và xử lý sau quy hoạch... Ngoài ra, phải cải thiện hoạt động marketing để khách hàng khi cần có thể dễ dàng biết được ở Việt Nam, địa phương nào có sản phẩm gì, xuất đi đâu?”, GS, TS Võ Tòng Xuân kiến nghị.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, thói quen của người nông dân là sản xuất tự phát không dựa vào nhu cầu của thị trường, vì thế câu chuyện "mất mùa được giá, được mùa mất giá" khó có thể giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, đa số nông dân chỉ quan tâm sản xuất, chưa chú trọng đến việc xây dựng phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, dịch vụ logistics khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa phát triển, làm giảm sức cạnh tranh của nông sản, thủy sản của vùng.
Thoát khỏi tư duy thuận mua vừa bán
Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), để thay đổi tình trạng "được mùa mất giá, mất mùa được giá", chúng ta cần thay đổi tư duy. Việt Nam có lợi thế về thiên nhiên, thổ nhưỡng trong khi dân số thế giới sắp đạt 8 tỉ người, kéo theo nguy cơ thiếu lương thực. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam, vì thế chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng. Trong định hướng phát triển nông nghiệp, cần thông tin cho nông dân hiểu xu thế hiện tại là sản phẩm hữu cơ, xanh, sạch...
“Tập đoàn Thành Thành Công có diện tích 68.000 ha mía đường, trong đó có 30.000 ha ở nước ngoài (Lào, Campuchia). Chúng tôi đã ứng dụng công nghệ cao để tạo quy trình khép kín, hình thành cánh đồng mẫu lớn, thậm chí làm ra điện từ bã mía. Riêng với gần 40.000 ha mía trồng ở trong nước, nông dân gần như chỉ góp đất, DN cung cấp giống, vật tư và cam kết nông dân có lãi. Với ngành chế biến dừa, trước đây nước dừa khô chỉ làm nước màu, nay chúng tôi làm nước dừa và sữa dừa xuất khẩu, tạo giá trị gia tăng rất lớn. Về vai trò quản lý nhà nước, cần chính sách đầu tư mạnh hơn cho cơ sở hạ tầng, logistics thì mới phát triển được kinh tế nông nghiệp”, Chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết thêm.
Đại diện cho các DN xuất khẩu thuỷ sản, ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) kiến nghị Chính phủ và các địa phương duy trì, phát triển năng lực sản xuất nguyên liệu. Cụ thể, cần đầu tư mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng sản xuất giống thủy sản, các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ phục vụ nuôi trồng. Khuyến khích DN, tư nhân đầu tư vào những trung tâm sản xuất giống bố mẹ, nâng cấp các trại sản xuất giống cung cấp cho Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, sửa đổi Luật Đất đai theo hướng quan tâm đến vấn đề tích tụ ruộng đất, hạn điền, quy định sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất để phát triển được các vùng nuôi, sản xuất giống tập trung phù hợp.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cảng Cái Cui (TP Cần Thơ) trở thành cảng container chính của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm kịp thời giảm chi phí và rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa thủy sản xuất khẩu. Song song đó, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống giao thông kết nối cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không một cách thuận tiện. Mở rộng hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng hàng không để xuất khẩu những hàng hóa đặc thù, giá trị của Đồng bằng sông Cửu Long đi các nước...
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, cần thoát khỏi tư duy thuận mua vừa bán, mua đứt bán đoạn mà phải hình thành niềm tin cho nông dân, phát huy vai trò dẫn dắt để hình thành hệ sinh thái xung quanh giữa DN và nông dân. "Tôi mong rằng mỗi DN cùng ngồi lại, chuyển từ tư duy thuận mua vừa bán sang tư duy hợp tác đường dài. Các hiệp hội ngành hàng rau củ quả, thuỷ sản cũng phải thật sự trở thành một hiệp hội cùng kiến tạo không gian phát triển với địa phương từng vùng, kết nối DN, nông dân thành một khối liên kết bền chặt để cùng nhau đi xa hơn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.