Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 20 ngày đầu tháng 3/2019, giá lợn hơi trên cả nước giảm 5.000 – 8.000 đồng/kg so với cuối tháng 2/2019. Giá lợn hơi giảm là do sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng đến thị trường thịt trong nước. Tại nhiều nơi, lượng thịt lợn tiêu thụ trong thời gian qua đã giảm 50% so với bình thường, trong khi lượng lợn về các chợ đầu mối gia tăng, một phần vì người chăn nuôi chạy dịch.
Giá thịt lợn có thể giảm sâu trong thời gian tới |
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến thời điểm hiện tại, đã có 21 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Lai Châu và Bắc Giang, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 64.879 con. Giai đoạn đầu, bệnh dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt. Tuy nhiên, từ ngày 20/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã và đang có chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rất rộng; trong đó đã có hộ chăn nuôi lớn với tổng đàn 4.500 (gồm 500 nái và 4.000 lợn thịt) tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bị bệnh. Như vậy, dịch bệnh đã xâm nhiễm vào trại có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tốt hơn các hộ dân.
Hiện, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc dao động ở mức 34.000 - 35.000 đồng/kg. Giá lợn tại công ty chăn nuôi lớn dao động trong khoảng 34.000 - 36.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá giao dịch trong mức 32.000 - 41.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi dao động trong ngưỡng 39.000 - 45.000 đồng/kg. Với diễn biến dịch bệnh như hiện tại, khả năng giá có thể sẽ giảm sâu trong thời gian tới.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tính đến nay, lượng lợn bị bệnh và tiêu hủy chỉ chiếm khoảng 0,08% so với tổng nguồn cung trong năm. Hiện nguồn cung trong nước vẫn được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và các hoạt động sản xuất, chế biến.
Mặc dù các ngành chức năng đã vào cuộc tích cực, song nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn cao. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi còn chủ quan, lơ là và thiếu trách nhiệm. Đáng lo nhất là tình trạng người dân vẫn còn vứt xác lợn chết bừa bãi ra môi trường khiến công tác kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch rất khó khăn.
Hiện tại, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ còn 2,5 triệu hộ, giảm từ mức 3,4 triệu hộ năm 2016, với tổng đàn đạt 13,8 triệu con, chiếm 49% tổng đàn, và sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng từ chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 42% sản lượng thịt lợn hơi cả nước. Tuy nhiên, dịch bệnh đang tác động tiêu cực tới sự phát triển chung của ngành chăn nuôi. Vì dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, cùng với lượng thịt nhập khẩu gia tăng khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), giá lợn hơi trong nước năm 2019 sẽ diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, xuất khẩu sản phẩm thịt lợn dự báo sẽ gặp khó khăn.