CôngThương - Thống kê của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho thấy, liên tục trong 8 năm qua, Việt Nam luôn là quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới. Trong quý I/2014, Việt Nam đã xuất khẩu 52.515 tấn hạt điều, tăng 21,7% về lượng và 23,85% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này chứng tỏ nhu cầu thế giới về hạt điều và sản phẩm chế biến về hạt điều của Việt Nam đang ngày càng được ưa chuộng.
Ba thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan.
Để gia tăng giá trị, Vinacas đặt ra mục tiêu các sản phẩm điều chế biến sâu sẽ nâng từ mức 8% lên trên 10% trong năm nay.
Với mục tiêu hướng tới chế biến sâu các doanh nghiệp đã đầu tư trang thiết bị hiện đại giúp giảm chí phí giá thành. Nếu trước đây để sản xuất ra 30 tấn điều/ngày cần khoảng 3.000-4.000 lao động, thì hiện nay doanh nghiệp chỉ cần khoảng 400-500 lao động. Các công ty đến từ Mỹ, Nhật cũng đã đặt vấn đề đầu tư, hỗ trợ về kỹ thuật chế biến sâu và mong muốn gắn kết làm ăn lâu dài với các doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam.
Đáng lưu ý, hạt điều của Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, do phần lớn thu nhập bình quân đầu người ở khu vực này ở mức cao và các sản phẩm được chế biến từ hạt điều đang dần được phổ biến và ưa chuộng tại đây. Tuy nhiên, tiêu chuẩn để hạt điều có thể nhập khẩu vào khu vực này cũng rất cao, đòi hỏi doanh nghiệp cần đầu tư bài bản, chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp Vinacas cho biết, thị trường khách hàng là cốt lõi, doanh nghiệp là then chốt, xuất khẩu đưa về con số tỷ nhưng lợi nhuận trong đó thấp thì nông dân cũng không hưởng được lợi ích gì cả. Do vậy, cần phân phối lợi ích phải hài hòa, nông dân, công nhân phải sống được với hạt điều, đa dạng hóa sản phẩm và đầu tư chế biến sâu.
Theo Vinacas, xuất khẩu hạt điều năm 2014 dự báo đạt khoảng 180.000 tấn điều nhân với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,8 tỷ USD, tính cả mặt hàng dầu vỏ hạt điều và sản phẩm chế biến sâu thì giá trị có thể đạt khoảng 2,2 tỷ USD |