Giá sắn nguyên liệu trong nước giảm
Cụ thể, tại Tây Ninh, giá sắn thu mua tại máy dao động quanh mức 2.550 – 2.650 đồng/kg, giảm nhẹ so với cuối tháng 7/2019. Tại Kon Tum, giá sắn thu mua dao động quanh mức 2.200 – 2.400 đồng/kg. Giá nguyên liệu sắn tại các vùng cũng đang có xu hướng giảm nhẹ do đầu ra gặp khó khăn.
Theo số liệu ước tính của AgroMonitor - Công ty CP Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam, tính đến ngày 6/8/2019 lượng sắn lát tồn kho tại khu vực miền Trung và miền Nam còn khoảng 110.000 - 120.000 tấn (hàng chưa ký hợp đồng), trong đó tại Quy Nhơn còn khoảng 80.000 tấn và tại khu vực cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) còn khoảng 30.000 tấn.
Giá sắn nguyên liệu trong nước giảm |
Lượng sắn lát dự trữ không còn nhiều, nhưng do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc kéo dài khiến nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc ở mức thấp khiến giá sắn và sản phẩm sắn tiếp tục giảm nhẹ. Trong khi đó, bên cạnh việc Trung Quốc siết chặt kênh giao dịch biên mậu, tỷ giá quy đổi giữa đồng Nhân dân tệ và Việt Nam đồng liên tục giảm mạnh trong thời gian gần đây, khiến xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lũy kế 7 tháng đầu năm 2019, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 1,36 triệu tấn, trị giá 527,1 triệu USD, giảm 14% về lượng và giảm 11% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân đạt 387,1 USD/tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn chủ lực của Việt Nam. 7 tháng đầu năm 2019, lượng sắn và sản phẩm sắn xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,19 triệu tấn, trị giá 466,25 triệu USD, giảm 14,1% về lượng và giảm 9,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Liên quan đến vấn đề này, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin, hiện nay, nhu cầu nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn của Trung Quốc từ Việt Nam và Thái Lan đang có xu hướng giảm, thay vào đó là tăng cường nhập khẩu từ Lào và Campuchia. Ngoài ra, Trung Quốc ngày càng tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam và siết chặt nhập khẩu qua kênh biên mậu.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, nguồn cung sắn và sản phẩm từ sắn trở nên khan hiếm hơn. Thực tế, các nhà máy sản xuất tinh bột đã kết thúc mùa vụ 2018 – 2019, ngừng hoạt động để bảo trì máy móc chờ đón vụ mới. Sản lượng sắn tại Tây Nguyên có thể không đạt như dự kiến do thời tiết nắng nóng kéo dài cộng thêm dịch khảm lá lan rộng khiến năng suất giảm mạnh. Hạn hán và dịch bệnh đe dọa cũng làm giảm năng suất sắn của Thái Lan trong niên vụ 2019 – 2020. Mặt khác, do hạn chế nhập khẩu sắn lát từ đầu năm 2019 nên lượng sắn lát còn tồn kho tại Trung Quốc giảm, thêm vào đó, nguồn cung nhập khẩu cồn từ Mỹ giảm do thuế nhập khẩu cao (thuế 45%). Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản dự đoán rằng trong thời gian tới, xuất khẩu sắn lát sẽ khởi sắc trở lại, trong khi xuất khẩu tinh bột sắn sẽ gặp phải nhiều cạnh tranh từ Campuchia và Lào.