Phát triển hạ tầng thương mại: Khơi thông nguồn lực Đắk Nông: Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới |
Hạ tầng thương mại tỉnh Gia Lai cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng thương mại tại các huyện biên giới, vùng xa còn nhiều khó khăn. Báo Công Thương có buổi trao đổi với ông Nguyễn Duy Lộc – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai về vấn đề này.
Hạ tầng thương mại tỉnh Gia Lai đã có những bước chuyển tích cực theo hướng hiện đại (Ảnh: Một cửa hàng tiện lợi tại huyện Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai)) |
Thưa ông, hạ tầng thương mại, đặc biệt là hạ tầng thương mại các huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới tại tỉnh Gia Lai trong thời gian qua có những bước chuyển thế nào?
Gia Lai là một tỉnh miền núi Bắc Tây Nguyên. Thời gian qua, bằng các chủ trương, chính sách và nguồn vốn đầu tư từ Chính phủ, Bộ Công Thương, hạ tầng thương mại tỉnh Gia Lai đã có những kết quả tích cực.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 96 chợ (gồm 1 chợ loại I, 12 chợ loại II, 69 chợ loại III, 12 chợ tạm, 2 chợ mới xây chưa phân loại); 18 siêu thị (9 siêu thị chuyên doanh, 9 siêu thị tổng hợp); 170 cửa hàng tiện lợi; 423 cửa hàng bán lẻ xăng dầu; 303 thương nhân bán lẻ rươu; 260 thương nhân bán lẻ thuốc lá.
Đối với khu vực biên giới, tỉnh Gia Lai có 7 xã thuộc 7 huyện biên giới gồm Đức Cơ, Ia Grai, Chư Prông. Tại các xã biên giới đã được đầu tư và đưa vào sử dụng 2 chợ gồm chợ IaDom và chợ cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (đều thuộc huyện Đức Cơ).
Tại khu vực cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, hiện có 03 địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu. Khu Kinh tế cửa khẩu hiện đã thu hút được 36 nhà đầu tư với 40 dự án, tổng vốn đăng ký 556,6 tỷ đồng. Đã có 11/40 dự án đi vào hoạt động tập trung chủ yếu hoạt động thương mại, dịch vụ, kinh doanh kho bãi, lưu chuyển hàng hóa. Các dự án còn lại đang xây dựng hoặc làm thủ tục.
Với hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư liên tục đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân, góp phần tích cực vào phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh Gia Lai.
Hạ tầng thương mại tỉnh Gia Lai cơ bản đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của người dân (Ảnh: Siêu thị tại huyện biên giới Đức Cơ) |
10 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 71.878 tỷ đồng, đạt 84,56% kế hoạch, tăng 16,66%. Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 đạt 45 triệu USD; lũy kế 10 tháng ước đạt 595 triệu USD, đạt 90,15% kế hoạch, tăng 19%. |
Việc đầu tư phát triển hạ tầng thương mại miền núi tại tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, mật độ chợ so với nhu cầu còn rất thưa thớt, nguyên nhân của thực trạng này là gì?
Thực tế cho thấy còn nhiều tồn tại, khó khăn trong việc phát triển hạ tầng thương mại.
Việc kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư để thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng Chợ gặp không ít khó khăn. Việc triển khai thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng các chợ trên địa bàn một số xã còn gặp rất nhiều khó khăn do vướng công tác giải phóng mặt bằng; Hệ thống chợ chưa được đầu tư đúng mức, các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ, hàng hóa chưa dồi dào.
Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng kỹ thuật thương mại, các dịch vụ phụ trợ còn yếu, manh mún, chưa có tác động lớn thúc đẩy thương mại, tạo liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh thương mại. Quy mô kinh doanh của doanh nghiệp và các hộ kinh doanh thương mại trong tỉnh còn nhỏ. Thương mại nhà nước thu hẹp, trong khi doanh nghiệp dân doanh phần lớn có quy mô nhỏ, siêu nhỏ (cả về vốn và lao động) nên chưa phát triển đến trình độ có thể làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động thương mại. Các cơ sở kinh doanh của các tập đoàn, công ty phân phối lớn còn ít chủ yếu tập trung ở khu vực các thành phố lớn. Hệ thống bán lẻ hiện đại mới được hình thành bước đầu.
Việc đầu tư các chợ, nhất là các chợ thuộc các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn nhiều khó khăn bất cập. Một phần đến từ chính sách về xây dựng nông thôn mới. Theo đó, trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đối với mục cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (tiêu chí số 7) cho phép một số địa phương không quy hoạch chợ được bỏ qua tiêu chí chợ nông thôn. Từ điều này, nhiều xã của Gia Lai không quy hoạch chợ và đạt nông thôn mới. Nhưng ngược lại, khi kinh tế phát triển, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng hoặc có nguồn vốn thì muốn xây dựng chợ cũng không được vì không có quy hoạch.
Tỉnh Gia Lai sẽ dành nguồn lực để phát triển hạ tầng thương mại, ưu tiên phát triển các chợ truyền thống phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, chợ biên giới, vùng đặc biệt khó khăn (Ảnh: Một góc chợ huyện biên giới Đức Cơ) |
Vậy, đâu là lời giải cho những khó khăn này? Định hướng, mục tiêu phát triển hạ tầng thương mại tỉnh Gia Lai trong thời gian tới là gì thưa Ông?
Thời gian tới, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách phát triển hạ tầng thương mại, ưu tiên chú trọng phát triển hạ tầng thương mại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Trước mắt, Sở Công Thương đã lồng ghép, tham mưu UBND tỉnh đăng ký danh mục chợ xã cần hỗ trợ đầu tư theo Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 với Bộ Công Thương, Ủy ban dân tộc gồm 07 chợ xã tại 07 huyện: Kbang, Kông Chro, Krông Pa, Đức Cơ, Ia Grai, Mang Yang, Phú Thiện.
Tăng cường xúc tiến thương mại, tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Về lâu dài, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, đồng bộ, phù hợp với các luật chuyên ngành. Sớm sửa đổi Nghị định về phát triển, quản lý chợ.
Về phía tỉnh Gia Lai sẽ đẩy mạnh phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn giai đoạn 2021- 2030, kêu gọi và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ và xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác chợ. Phấn đấu đến năm 2045, 100% chợ trên địa bàn tỉnh được chuyển đổi mô hình quản lý và khai thác chợ.
Rà soát, đánh giá việc triển khai tiêu chí số 7 về kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả công tác phát triển chợ nông thôn theo mục tiêu đề ra; ưu tiên bố trí, phân bổ vốn đầu tư công phát triển các chợ truyền thống mang tính văn hóa cần bảo tồn, các chợ biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; đầu tư phát triển các cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, cửa hàng xăng dầu, khí hóa lỏng…
Hình thành, phát triển các trung tâm thương mại; phát triển mạng lưới thu mua nông sản cũng như hệ thống kho tổng hợp, kho chuyên dụng; đầu tư phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi chuyên doanh và tổng hợp; thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh như phát triển chợ đầu mối...
Ngoài ra, triển khai hiệu quả Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Xin cảm ơn ông!
Dự kiến tháng 12/2022, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai sẽ tổ chức phiên chợ biên giới tại cửa khẩu Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) với quy mô 30 gian hàng. |