Gia Lai: Nông dân trồng dứa "hụt hơi" vì không có nơi tiêu thụ
Kế thừa từ Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, mô hình trồng dứa liên kết tại huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) cho thấy tính hiệu quả kinh tế cao, là cây thoát nghèo cho người đồng bào dân tộc thiểu số.
Người dân huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) thu hoạch dứa |
Song, sau khi hết chu kỳ hỗ trợ của dự án, người trồng dứa tại đây đang bị “hụt hơi” bởi không có nơi tiêu thụ.
Cây thoát nghèo hiệu quả
Năm 2019, huyện Mang Yang triển khai mô hình trồng dứa liên kết. Dự án có 16 nhóm với 300 hộ dân ở năm xã gồm Đak Trôi, Đê Ar, Kon Chiêng, Kon Thụp, Lơ Pang tham gia với tổng kinh phí là gần 5 tỷ đồng; trong đó Dự án giảm nghèo Tây Nguyên hỗ trợ 3,6 tỷ đồng (giống dứa Queen, tiền cày đất, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật), còn lại nông dân đóng góp.
Dự án được triển khai, người dân hồ hởi ký bản cam kết cùng tham gia mô hình trồng dứa liên kết do huyện Mang Yang triển khai. Các hộ dân được nhận cây giống, vật tư, phân bón và tập huấn kỹ thuật trồng cây dứa.
Không chỉ vậy, mô hình còn ký hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm với Công ty Trách nhiệm hưu hạn Một thành viên xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai (gọi tắt Công ty DOVECO). Cây dứa trở thành cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao bên cạnh các loại cây quen thuộc như mỳ, bắp, bời lời.
Ông Brưn (làng Đak Hlăh Tơ Drăh) cho biết: “Khi tham gia mô hình, chúng tôi vui lắm vì cây dứa là cây trồng mới, thích hợp với đất chân đồi, sỏi đá, chăm sóc cũng không tốn công mà đầu ra sản phẩm ổn định. Bà con trong làng luân phiên chăm sóc cho 4ha dứa, với gần 1.400 ngày công. Một năm sau thì dứa cho thu hoạch."
Tại xã Lơ Pang, ngoài Đak Hlăh Tơ Drăh còn có làng Hlim và làn Rỏh cũng tham gia mô hình với tổng diện tích 9ha.
Cùng thời điểm, ông Diol - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kon Chiêng, cũng liên kết với ba hộ gia đình trong làng Ktu tham gia mô hình trồng dứa, diện tích 6 sào. Bà con trong làng cùng thành lập thêm một nhóm trồng 7 sào. Cây dứa hợp thổ nhưỡng, sinh trưởng và phát triển tốt.
Ông Diol cho hay: “Khi có mô hình trồng dứa, tôi kêu gọi bà con cùng tham gia. Nhóm của tôi trồng 6 sào, được hỗ trợ phân bón, kỹ thuật để trồng. Cây dứa bắt đầu cho quả thì có công ty vào thu mua như cam kết ban đầu với giá 3.000 đồng/kg."
Cùng với Kon Chiêng, Lơ Pang, các xã Đak Trôi, Đêr Ar, Kon Thụp cũng triển khai mô hình trồng dứa liên kết này với tổng diện tích gần 60ha.
Ông Võ Minh Quang - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mang Yang, đánh giá cây dứa được lựa chọn nhằm thay thế phù hợp trồng trên diện tích đất xấu, bạc màu, đất sỏi, chân đồi. Cùng với việc hỗ trợ cây giống, bà con tham gia mô hình cũng được hỗ trợ phân bón, kỹ thuật chăm sóc, qua đó từng bước thay đổi cách canh tác, tư duy trồng trọt, sản xuất cho phù hợp."
Thiếu nơi tiêu thụ
Thế nhưng, sau khi hết chu kỳ của dự án, những diện tích dứa ở đây vẫn được người dân duy trì nhưng thiếu sự đầu tư, chăm sóc, thay giống mới. Diện tích dứa ban đầu được triển khai thí điểm gần như không tăng lên. Nhiều nơi, bà con bỏ mặc, hầu như không chăm sóc, chỉ khi nào cây dứa ra quả chín thì đến thu hoạch.
Sau niên vụ đầu tiên, bà con dường như không còn mặn mà với mô hình này bởi lý do đầu ra bấp bênh, không ổn định.
Gần một tháng nay, nhóm liên kết trồng dứa gồm 20 gia đình của làng Đak Hlăh Tơ Drăh (xã Lơ Pang) thay phiên nhau thu hoạch dứa. Đã lâu không được chăm sóc, rẫy dứa của làng ngập trong cỏ dại. Không có đầu mối thu mua tập trung, bà con chỉ có thể hái quả chín bán lẻ cho các thương lái. Các thành viên trong nhóm cũng “cầu cứu” trên facebook, kêu gọi mọi người tiêu thụ.
Chị Trần Thị Hạnh (thôn Hà Lòng, xã Kdang, huyện Đak Đoa) bình thường vẫn đi thu mua nông sản của người dân trong các thôn, làng. Nghe tin rẫy dứa của làng đang chín rộ mà không có người thu mua, chị Hạnh tìm đến tận nơi để làm cầu nối tiêu thụ.
Chị Hạnh chia sẻ: “Bà con bán cho tôi giá 4.000 đồng/kg. Tôi đã mua 2,3 tấn để đem bỏ mối cho các chợ ở các huyện Mang Yang, Đak Đoa. Dứa đang mùa chín rộ, nếu không bán kịp thì bà con cũng đành phải bỏ thối ở trên rẫy này thôi."
Anh Đip - thành viên nhóm liên kết trồng dứa của làng Đak Hlăh Tơ Drăh, tâm sự: “Năm nay dứa chín, bà con bán lẻ tẻ cho thương lái nên giá cũng bấp bênh lắm. Dứa chín không bán kịp, chúng tôi cũng đành bỏ thối gần 2 tấn rồi."
Cũng vì không có nguồn tiêu thụ ổn định, 7ha dứa của nhóm liên kết làng Hlim vừa được bà con bán khoán giá rẻ cho một thương lái với giá 40 triệu đồng.
Cùng lý do không mặn mà với cây dứa, ông Diol bày tỏ: “Những quả đạt trọng lượng trên 0,5kg, Công ty DOVECO mới thu mua với giá 3.000 đồng/kg. Những quả nhỏ không đạt họ không thu mua, chúng tôi cũng phải tự tìm cách tiêu thụ. Bà con cảm thấy đầu ra khó khăn nên không ai muốn nhân rộng. Năm nay 6 sào dứa của nhóm chúng tôi cũng tự tìm đầu ra bán lẻ. Từ đầu năm đến nay trung bình mỗi tuần tôi thu được 2 tạ quả. Giá cả tùy thời điểm, lúc khan hiếm thì bán được 7.000 đồng/quả đạt 1kg trở lên, còn trung bình giá bỏ sỉ dao động từ 2.000-4.000 đồng/kg, đến nay cũng thu được khoảng 20 triệu đồng."
Việc triển khai mô hình liên kết trồng dứa trên địa bàn huyện Mang Yang với sự có mặt của Công ty DOVECO là một lợi thế cho người dân tham gia. Thế nhưng, dường như giữa người dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung để cùng nhau phát triển.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Gia Nghĩa, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai cho hay: “Công ty chúng tôi có tham gia ký kết với người dân tham gia mô hình trồng dứa của dự án giảm nghèo Tây Nguyên triển khai năm 2019. Sau khi kết thúc chu trình, bà con không thực hiện trồng lại lứa dứa mới mà vẫn để cây như cũ, tiếp tục khai thác thu hoạch nên chất lượng quả và năng suất không cao. Công ty có tiêu chuẩn thu mua rõ ràng, dứa đạt trọng lượng trên 450gram có giá 4.500 đồng/kg, 350-400gram thì thu với giá thấp hơn. Thực tế nhà máy lúc nào cũng cần nguyên liệu, chỉ cần bà con liên hệ chúng tôi đều sẵn sàng thu mua."
Không thể phủ nhận tính hiệu quả kinh tế của cây dứa mang lại cho bà con. Song để loài cây này được nhân rộng, phổ biến, góp thêm một lựa chọn trong phát triển nông nghiệp cho bà con vẫn còn là “bài toán” khó.
Nói về điều này, ông Lê Lợi- Bí thư Đảng ủy xã Lơ Pang đề đạt: “Tham gia mô hình liên kết trồng dứa chủ yếu là người dân tộc thiểu số nghèo, kỹ thuật canh tác còn thô sơ, chưa được tiếp cận nhiều kỹ thuật canh tác công nghệ cao nên năng suất chưa đạt như mong muốn. Tuy nhiên cây dứa là loài cây trồng rất có triển vọng. Tôi mong rằng các cơ quan, ban, ngành liên quan tăng cường việc bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư để bà con canh tác dứa đạt tiêu chuẩn của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc liên kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ nhằm kích thích cho người dân phát triển kinh tế từ cây dứa nói riêng, các loại cây ăn quả khác nói chung."
Có thể thấy qua nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã có được phương thức để phát triển kinh tế. Qua khảo sát, đến nay vẫn người dân tham gia dự án vẫn duy trì được hơn 40ha diện tích trồng dứa. Tuy nhiên, việc phát huy được những dự án về lâu dài lại là một “bài toán khó."
Ông Võ Minh Quang - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mang Yang, cho biết: “Khi dự án kết thúc, người dân tự chủ động thực hiện duy trì vườn dứa. Tuy nhiên, việc người dân ở đây canh tác vẫn theo tập tục cũ, không chịu đầu tư giống mới, phân bón, nước tưới… vì thế chất lượng quả dứa không cao. Chính điều này đã dẫn đến việc tiêu thụ cũng như giá cả gặp khó."
“Để dự án tiếp tục phát huy được hiệu quả kinh tế, giúp người dân có thu nhập thay đổi đời sống, chúng tôi sẽ khuyến cáo, hướng dẫn bà con thay đổi cách trồng, chăm sóc cây dứa. Tập trung hỗ trợ bà con phá bỏ vườn dứa đã già cỗi, thay bằng giống mới có năng suất, sản lượng cao hơn. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với các công ty thu mua hoa quả ký cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân” - ông Quang cho biết thêm./.