Mở cửa phiên giao dịch sáng 18/3/2024, giá gas hôm nay tại thị trường thế giới tăng 2,58% lên mức 1,7 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 4/2024.
Dòng khí đốt từ Nga sang châu Âu thông qua đường ống Yamal-Europe |
Châu Âu đang thoát khỏi mùa đông thứ hai của cuộc khủng hoảng khí đốt với lượng dự trữ ở mức cao theo mùa. Giá khí đốt chuẩn đã quay trở lại mức quen thuộc. Italy, nước vẫn mua khí đốt qua đường ống của Nga vào năm 2023, đã tuyên bố cuối cùng sẽ "bỏ thói quen" vào năm 2024 khi có nhiều khí đốt qua đường ống của Algeria và khí tự nhiên hóa lỏng toàn cầu.
Theo nhận định của chuyên gia năng lượng và khí hậu Ignacio Urbasos Arbeloa thuộc Viện Hoàng gia Elcano (Tây Ban Nha), đến nay EU đã giảm 80% lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga bằng đường ống mà không cần phải từ bỏ hỗ trợ chính trị, kinh tế và quân sự cho Ukraine.
Trong khi Nga chiếm 42% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của châu Âu vào năm 2021, tỷ lệ này đã giảm xuống 14% vào năm 2023 (5,3% với khí tự nhiên hóa lỏng LNG và 8,7% với khí đốt qua đường ống).
Nhờ phát triển năng lực mới để nhập khẩu LNG và xây dựng các kết nối, EU đã bước sang một giai đoạn mới trong quá trình giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, xoa dịu lo ngại về tình trạng thiếu nhiên liệu. EU cũng đề ra kế hoạch REPowerEU, xác định rằng đến năm 2027 sẽ ngừng mua khí đốt Nga.
Hợp đồng quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024 và Kiev đã tuyên bố ý định không đàm phán thỏa thuận gia hạn với tập đoàn Gazprom.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, châu Âu sẽ buộc phải quay trở lại với Nga vì khối này cần khí đốt giá rẻ của Nga để khôi phục kinh tế và ngăn chặn quá trình phi công nghiệp hóa.
Song theo tờ Financial Times, Nga có nguồn khí đốt dồi dào với chi phí thấp mà về mặt lý thuyết có thể được cung cấp với giá rẻ tới châu Âu. Nhưng Nga chưa bao giờ bán khí đốt theo giá gốc - cũng như việc bán dầu ở Trung Đông theo giá gốc. Nga bán khí đốt một cách cạnh tranh nhưng không hề rẻ.
Phản ứng của Nga trước việc mất đi các thị trường truyền thống ở phương Tây là tìm cách mở rộng việc bán khí đốt sang phương Đông. Các cuộc đàm phán song phương đang được tiến hành giữa Nga và Trung Quốc về một đường ống dẫn khí khổng lồ nối các mỏ khí đốt chi phí thấp của Nga ở phía tây Siberia tới các trung tâm cần khí đốt xung quanh Bắc Kinh.
Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ tháng 3 tiếp tục được điều chỉnh tăng kể từ 1/3/2024. Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 3 tại thị trường Hà Nội là 460.740 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.842.760 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt tăng 2.640 đồng/bình 12 kg và 10.560 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT) so với tháng 2.
Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí miền Nam (Gas South) thông báo, tăng giá gas bán lẻ từ 1/3, mức tăng cụ thể 167 đồng/kg so với tháng trước, tương đương tăng 2.000 đồng/bình 12kg và 7.500 đồng/bình 45kg. Với mức tăng này, giá gas bán lẻ của Gas South khi đến tay người tiêu dùng là 471.900 đồng/bình 12kg và 1.770.831 đồng/bình 45kg (đã bao gồm VAT).
Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cũng tăng 2.000 đồng/bình 12kg, giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng không quá 443.000 đồng/bình 12kg.
Theo Tổng Công ty Gas Petrolimex, mặc dù hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 3 ở mức 635 USD/tấn, không thay đổi so với tháng 2 nhưng do biến động tỷ giá nên Tổng Công ty Gas Petrolimex thực hiện điều chỉnh theo mức tăng tương ứng.
Hiện nguồn cung gas nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, nên giá gas trong nước vẫn chịu ảnh hưởng bởi thị trường quốc tế. Như vậy, giá gas trong nước đã tăng tháng thứ 3 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay.
Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!