Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bất ngờ “quay xe” giảm mạnh
Tiếp đà tăng tuần trước, tuần này giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã liên tiếp điều chỉnh tăng thêm 5 USD/tấn ở cả 3 phân khúc 5%, 25% và 100% tấm.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Thái Lan đã điều chỉnh tăng từ mức 643 USD/tấn lên mức 648 USD/tấn; gạo loại 25% tấm cũng tăng lên 584 USD/tấn và gạo 100% tấm cũng tăng lên mức 488 USD/tấn.
Trái với đà tăng của Thái Lan, tuần này giá gạo của Việt Nam đã bất ngờ quay đầu giảm sau khi tăng nhẹ 5 USD/tấn vào cuối tuần trước.
Giá gạo xuất khẩu tuần này biến động trái chiều giữa các nguồn cung |
Theo dữ liệu từ VFA, giá gạo loại 5% tấm của Việt Nam hiện ở mốc 653 USD/tấn, giảm 10 USD; gạo 25% tấm cũng điều chỉnh giảm tương ứng xuống còn 633 USD/tấn.
Riêng gạo của Pakistan vẫn giữ giá đi ngang. Theo đó gạo 5% tấm của nước này đang có mức 593 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 513 USD/tấn và loại 100% tấm là 468 USD/tấn.
Lý giải việc giá gạo Thái Lan liên tục tăng trong thời gian qua, các báo cáo của VFA cho biết, do nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn từ các nước khu vực Đông Nam Á như Philippines, Malaysia và Indonesia hỗ trợ. Bên cạnh đó, tồn kho gạo Việt Nam mỏng trong khi Ấn Độ vắng mặt cũng góp phần giúp Thái Lan trở thành nguồn cung ưu thế trên phân khúc gạo trắng hiện nay.
Một nguyên nhân khác là đồng baht Thái suy yếu so với đồng USD. Bên cạnh đó, Hiệp hội Các nhà Xay xát Lúa gạo Thái Lan đã tiếp tục nâng giá hướng dẫn trong nước đối với mặt hàng gạo trắng 5% tấm - cũng góp phần hỗ trợ cho thị trường xuất khẩu gạo nước này.
Cuối cùng, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan gần đây cũng công bố rằng, ngoài việc dán nhãn có dấu phê duyệt của Cục Lúa gạo khi xuất khẩu, Thái Lan sẽ tuyên truyền và khuyến khích nông dân cải tiến phương thức canh tác, trồng lúa chất lượng cao và bền vững. Hiện Cục Lúa gạo đang nghiên cứu và phát triển các giống lúa nội địa mới có năng suất cao hơn với chất lượng tốt hơn để nông dân có thể trồng trong vụ mùa tiếp theo.
Trong khi đó với Việt Nam, theo chia sẻ từ các doanh nghiệp, trong những tuần gần đây hầu như việc ký kết đơn hàng mới của họ khá chậm vì giá xuất khẩu hiện ở mức rất cao- chênh lệch lớn so với các nguồn cung khác như Thái Lan, Pakistan. Một nhà xuất khẩu gạo có trụ sở ở TP. Hồ Chí Minh nói rằng, việc giá chào xuất khẩu cao quá đã khiến nhà mua hàng chuyển sang mua từ các nguồn cung khác.
Trên thực tế, theo các phân tích của giới chuyên môn gần đây, dù các quốc gia như Philippines, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu gạo rất lớn, song ước tính cả năm 2023 sản lượng nhập khẩu gạo lại giảm.
Điển hình như Philippines, theo tờ BusinessMirror của Philippines, ước tính cả năm 2023, lượng gạo nhập khẩu của Philippines chỉ đạt hơn 3,6 triệu tấn, thấp hơn khoảng 5% so với mức 3.826 triệu tấn của năm ngoái. Nguyên nhân lượng gạo nhập khẩu giảm là do giá thế giới tăng cao. Trong số các thị trường mà quốc gia này nhập gạo, Việt Nam vẫn là nguồn cung chủ lực với sản lượng trên 2,6 triệu tấn, tương đương giá trị 1,4 tỷ USD. Đứng thứ 2 là Thái Lan với gần 162.000 tấn và Myanmar 128.000 tấn.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cho rằng, việc hạ giá có thể sẽ khiến họ ký kết được đơn hàng tốt hơn.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/12, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 7,9 triệu tấn gạo với giá trị đạt trên 4,53 tỷ USD. Về triển vọng xuất khẩu gạo trong thời gian tới, các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành nhận định, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu trong năm 2024. Cụ thể theo Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm tới. Hơn nữa, lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn nên đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam. |