Phát triển nông sản gắn với “hữu cơ”
Ông Trần Văn Tư, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Quế Lâm phương Bắc (thành viên của Tập đoàn Quế Lâm) cho biết, những năm gần đây, tập đoàn đã triển khai sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng gạo hữu cơ, chủ yếu là các giống DT39 Quế Lâm, Bắc thơm số 7, Hương Cốm 4 tại một số tỉnh, thành với diện tích khoảng 1.000ha, trong đó riêng giống lúa DT39 Quế Lâm khoảng 300ha.
Do sản phẩm gạo hữu cơ tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ, được bón bằng toàn bộ phân hữu cơ Quế Lâm nên giá bán tương đối cao. Tuy nhiên, gạo Quế Lâm được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Mỗi năm, Quế Lâm tiêu thụ hàng trăm gấn gạo hữu cơ trên thị trường. Để đầu tư cho chương trình sản xuất gạo hữu cơ này, Tập đoàn Quế Lâm đã quy tụ 16 chuyên gia là những nhà khoa học đầu ngành, đồng thời mới tuyển dụng 100 sinh viên đại học ngành nông nghiệp. Số sinh viên này phải thức khuya, dậy sớm, trực tiếp ra đồng cùng nông dân tổ chức sản xuất, đến từng hộ dân để tiếp thị sản phẩm, giám sát, thu mua lại lúa ở vùng nguyên liệu khi đến ngày thu hoạch.
Với phương châm đã, đang và sẽ luôn phát triển nông sản gắn với hai từ “hữu cơ”, ông Khắc Ngọc Bá, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ: “Mục tiêu đầu tiên của tập đoàn là cung cấp cho người tiêu dùng trong nước sản phẩm hữu cơ thực sự, người Việt phải được ăn sạch đầu tiên. Để làm được điều này, chúng tôi đã nỗ lực xây dựng lòng tin để người tiêu dùng tin tưởng về nguồn gốc thực phẩm, không để bà con hoài nghi sản phẩm sạch mà lại không sạch”.
Các sản phẩm hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm sản xuất với mục tiêu luôn vì sức khỏe của người Việt. Bởi vậy, sản phẩm luôn đảm bảo 6 không gồm: không thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu hóa chất, không chất bảo quản, không hương liệu và không tẩy trắng hóa chất. Ngày đầu, mới chỉ có gạo hữu cơ thì đến nay Tập đoàn Quế Lâm đã và đang nghiên cứu cho ra đời các loại trà hữu cơ, tiêu hữu cơ, thanh long hữu cơ, cà phê hữu cơ, rau củ quả hữu cơ.
Theo chia sẻ của ông Bá, từ năm 2011, tập đoàn đã cùng với các nhà khoa học, các nhà quản lý trong và ngoài tập đoàn xây dựng Đề án sản xuất lúa - gạo hữu cơ Quế Lâm, triển khai trên 12 tỉnh thành dọc từ Nam ra Bắc với 200 điểm tại nhiều xã, huyện.
Sau nhiều năm triển khai, dự án tại các địa phương đã thu được những kết quả hết sức to lớn, nâng cao giá trị của hàng hóa và đem lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, Tập đoàn Quế Lâm đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về phương pháp canh tác nông nghiệp từ vô cơ sang hữu cơ. Bởi vậy, trên nhiều cánh đồng, việc dùng thuốc trừ sâu đã giảm rõ rệt, có nhiều địa phương không còn dùng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ.
Đôi điều chia sẻ với các doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch, ông Bá cho rằng, để tạo ra sản phẩm sạch phải có điều kiện về khoa học kỹ thuật. Thế mạnh của Tập đoàn Quế Lâm là có nền tảng sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh từ lâu nên hoàn toàn có thể chủ động toàn bộ quy trình để tạo ra sản phẩm an toàn. Trọng điểm là sản xuất nông sản hữu cơ của Quế Lâm không hề phải mua bất cứ một sản phẩm phân bón nào. Trong hơn một thập kỷ qua, Tập đoàn Quế Lâm cũng đã sản xuất và tiêu thụ được nhiều triệu tấn phân bón hữu cơ vi sinh cao cấp.
Mở rộng ra cả nước
Ông Trần Thế Anh, Trưởng đại diện Văn phòng gạo hữu cơ Quế Lâm ở miền Bắc cho biết: Sản xuất lúa gạo của tập đoàn từ đầu năm đến nay tương đối ổn định, đi sâu vào các nông sản sạch, phân phối cho các cửa hàng thực phẩm sạch. Hiện tại, tính riêng miền Bắc đã có trên 100 đối tác đăng ký đơn hàng sạch các sản phẩm của Quế Lâm. Trong đó, có gần 60 tấn gạo hữa cơ được cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội. Hiện tập đoàn đã liên kết với nhà sản xuất ở Quảng Trị để sản xuất dầu lạc nguyên chất, tại Thái Nguyên là chè hữu cơ”.
Theo thống kê, Tập đoàn Quế Lâm đã triển khai sản xuất lúa chất lượng cao, chủ yếu các giống Bắc Thơm 7, Hương Cốm với khoảng hơn 100ha gạo sạch tại các tỉnh: Hà Tĩnh (30ha - 200 tấn lúa/năm), Huế (50ha – 300 tấn lúa/năm, Đà Nẵng (30ha – 200 tấn lúa/năm) và những mô hình trình diễn 2ha tại Quảng Bình và Quảng Ngãi.
Đặc biệt, tại Huế là vùng nguyên liệu lớn nhất, lúa được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ: giống lúa do Viện Di truyền nông nghiệp cung cấp, dùng phân bón hữu cơ Quế Lâm, không dùng thuốc diệt cỏ, dùng thuốc trừ sâu bằng thảo mộc, không chất bảo quản. Ngoài ra, vùng trồng lúa được cách ly với vùng sản xuất không an toàn. Do không dùng chất kích thích tăng trưởng nên lúa hữu cơ có thời gian thu hoạch dài hơn các giống lúa thường từ 7-10 ngày.
Ông Anh cũng cho hay, Chứng nhận sản xuất hữu cơ chỉ có ở nước ngoài, tại Việt Nam cũng chưa có một đơn vị nào được quyền cấp chứng nhận này. Thực tế, phía tập đoàn đã làm VietGap rồi nhưng giờ còn làm trên cả tiêu chuẩn VietGap nên trong sản xuất không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, cả quy trình sản xuất từ làm cỏ, xới đất đều bằng thủ công. Không chỉ vậy, tập đoàn còn có viện nghiên cứu và sinh học để nghiên cứu phân bón hữu cơ vi sinh cung cấp cho các vùng nguyên liệu.