Thứ sáu 08/11/2024 01:41

EVFTA: Thúc đẩy thương mại, đầu tư và tạo chuỗi cung ứng mới

Đây là khẳng định của ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) – khi chia sẻ với báo chí về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Xin ông cho biết, Việt Nam và EU cần hoàn thiện những bước nào để có hiệu lực?

Trong ngày khai mạc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội chính thức xem xét, thảo luận và sau đó tiến tới thông qua Hiệp định EVFTA. Bản báo cáo giải trình của Bộ Công Thương đã được trình Chính phủ, sau đó, Chính phủ báo cáo Chủ tịch nước trình Quốc hội, trong đó có nội dung hiệp định được đảm bảo thực thi có hiệu quả. Cụ thể, bao gồm 2 phần quan trọng: Thứ nhất, các vấn đề pháp lý cần xử lý để có thể hoàn thành nghĩa vụ đặt ra. Thứ hai, những chương trình, bước đi cụ thể mà Chính phủ sẽ thực hiện, từ đó đưa hiệp định này vào cuộc sống.

Ảnh minh họa

Việc quyết định phê chuẩn hiệp định thuộc thẩm quyền Quốc hội. Theo quy trình, sẽ có bước ban hành nghị quyết của Quốc hội trước khi hoàn thành quá trình phê chuẩn. Tiếp theo, hai bên sẽ chính thức xác nhận với nhau về thời điểm có hiệu lực. Đó là ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau khi có văn bản phê chuẩn của Quốc hội, có nghĩa là ngày Quốc hội ban hành nghị quyết. Nếu như Quốc hội ban hành nghị quyết vào cuối tháng 5/2020 thì sau đó hai tháng, hai bên sẽ xác định ngày có hiệu lực của hiệp định.

Sau thời gian dài nỗ lực không ngừng nghỉ, Hiệp định EVFTA hiện đã đến giai đoạn nước rút để tiến tới thực thi. Đây là tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế đất nước đang chịu tác động không nhỏ bởi dịch Covid-19. Thưa ông, ngành hàng nào được hưởng lợi đầu tiên khi hiệp định có hiệu lực?

Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), những ngành hiện nay có thể tận dụng sớm cơ hội mà EVFTA mang lại là dệt may, da giày, nông sản, đặc biệt là nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có thế mạnh.

Hiệp định góp phần hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, từ đó tăng cường thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo chuỗi cung ứng mới. Hiện, các nước đang cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt đang diễn ra rất mạnh tại EU. Trong bối cảnh ứng phó với những thay đổi của đại dịch Covid-19, xu hướng này diễn ra mạnh hơn.

Khác với nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ có Mexico là thị trường truyền thống cung ứng, EU không có một nền kinh tế nào ở gần để đáp ứng nhu cầu chuỗi cung ứng. Vì vậy, EU đã lựa chọn một số thị trường. Với tư cách là một trong những nước phát triển đầu tiên, Việt Nam có được hiệp định thương mại tự do với EU. Do đó, Việt Nam đang ở vị trí rất tốt để trở thành một trong những nơi tiếp nhận chuỗi cung ứng, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Từ đó, quan hệ thương mại, đầu tư và cả quan hệ kinh tế cũng như quan hệ khác được xây dựng mức cao hơn với EU.

Thưa ông, với một đối tác như EU, chúng ta đã đáp ứng nhu cầu nguồn cung như thế nào?

Chúng ta là một trong những đối tác tin cậy, đủ khả năng, đủ sức cạnh tranh để cung cấp tới một đối tác thương mại. Tất nhiên, những đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản sẽ lựa chọn cả những đối tác khác, nhưng Việt Nam ở vị thế rất tốt. Điều này thể hiện qua việc Việt Nam đã cải cách kinh tế và có khả năng cạnh tranh, cung ứng của nhiều mặt hàng rất tốt. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các mặt hàng như trang thiết bị y tế rất nhiều nước hạn chế xuất khẩu thì Việt Nam thể hiện là một đối tác tin cậy trong tất cả mối quan hệ quốc tế đó.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cố gắng dỡ bỏ rất nhanh trước các đối tác khác về những rào cản, như rào cản xuất khẩu nông sản hay thiết bị y tế. Việt Nam đã chứng tỏ là nhà cung cấp hàng đầu với nhiều mặt hàng. Thời gian tới, chúng ta không chỉ kỳ vọng ở một số mặt hàng thế mạnh như dệt may, da giày mà sẽ vươn lên những mặt hàng khác với hàm lượng công nghệ cao hơn.

Ông đánh giá như thế nào về lợi thế cạnh tranh và lợi ích của Việt Nam khi EVFTA chính thức đi vào cuộc sống?

Theo các nghiên cứu, tác động của hiệp định này tương đối thuận lợi đối với nền kinh tế Việt Nam nếu như khai thông được thị trường EU. Đặc biệt, trong một nghiên cứu mới đây nhất của WB đã nhấn mạnh đến khía cạnh về xóa đói giảm nghèo cũng như khả năng các hộ gia đình vươn lên đáp ứng ở mức tầng lớp trung lưu. Theo nghiên cứu này, nếu lấy chuẩn xóa đói, giảm nghèo cao của WB, thì có khoảng 800.000 người Việt Nam có thể thoát nghèo nhanh hơn so với kịch bản không có EVFTA.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong vòng 5 năm tới, hiệp định có thể đóng góp vào nền kinh tế tăng thêm khoảng từ 2,2-2,3%, tức là xung quanh 0,5 điểm phần trăm GDP/năm. Đây là tác động lớn hơn nhiều so với tất cả các FTA trước đây mà chúng ta đã tham gia, kể cả so với Hiệp định CPTPP mà Quốc hội phê chuẩn trước đây.

Tuy nhiên, để con số đó trở thành hiện thực thì còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có thay đổi rất nhiều và rất nhanh so với trước đây, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có cách tiếp cận mới, thay đổi phù hợp với hoàn cảnh thì mới có thể tận dụng được các cơ hội mà các FTA thế hệ mới nói chung, EVFTA nói riêng đem lại.

Xin cảm ơn ông!

Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU sẽ được hưởng lợi lớn.
Thu Phương - Nguyễn Hường

Tin cùng chuyên mục

Hệ sinh thái FTA - động lực và nền tảng vững chắc hơn cho xuất khẩu da giày

Tuân thủ các quy định SPS trong Hiệp định EVFTA

Xây dựng Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp da giày tận dụng tốt hơn EVFTA

Tận dụng EVFTA, xuất khẩu da giày tăng tốc vào EU

Hiệp định EVFTA giúp hàng Việt Nam tăng lợi thế cạnh tranh, tăng thị phần tại Thụy Điển

Hiệp định EVFTA thúc đẩy thu hút đầu tư từ EU vào Việt Nam

Hiệp định EVFTA - khơi thông dòng chảy cho hàng Việt Nam vào thị trường Pháp

Các cam kết từ EVFTA: Động lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam

'Xanh hóa' để làm chủ cuộc chơi trong hiệp định EVFTA

Ngành dệt may giải bài toán xuất xứ hàng hoá trong hiệp định EVFTA

Hiệp định EVFTA: Thu hút đầu tư, tạo sức bật cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

"Đường cao tốc" để nông sản Việt chinh phục thị trường EU

4 năm thực thi Hiệp định EVFTA: Hợp tác thương mại Việt Nam - EU vươn lên tầm cao mới

Thực thi hiệu quả EVFTA, tạo xung lực mới trong hợp tác kinh tế Việt Nam - Italia

Xuất khẩu sang các thị trường có FTA phục hồi, tăng trưởng tích cực

Việt Nam là một trong 3 điểm đến hàng đầu của doanh nghiệp EU

EuroCham: Hiệp định EVFTA thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - EU

Hàng Việt Nam ngày càng rộng cửa xuất khẩu sang Hungary nhờ Hiệp định EVFTA

EuroCham: Tiềm năng của Hiệp định EVFTA được doanh nghiệp chú ý hơn

Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam có gặp thách thức tại thị trường EU?