EVFTA tạo đầu ra ổn định giữa khó khăn do dịch bệnh
Qua 2 tháng Hiệp định EVFTA chính thức đi vào thực thi đã đạt những kết quả rất tích cực.
Khó khăn lớn nhất là vấn đề đầu ra
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vấn đề đứt gãy nguồn cung trong nước do tác động của dịch Covid-19, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, ngành sản xuất công nghiệp chịu tác động rất rõ trong thời gian đại dịch Covid-19. Đặc biệt, là ngành công nghiệp chế biến chế tạo do nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. “Thị trường Trung Quốc và các nước châu Á cung ứng nguồn đầu vào cho thị trường Việt Nam khoảng 40%. Các ngành sản xuất của Việt Nam trong quý I/2020 bị ảnh hưởng nhiều nhất là điện tử, dệt may, da giày, túi xách, lắp ráp ô tô…” - ông Thành cho biết thêm.
Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) |
Tuy nhiên, sau quý I/2020, khi dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc dần được khống chế, nguồn cung dần được phục hồi, sang tháng 4/2020 chuỗi cung gần như không vướng và trở lại như cũ.
Liên quan đến các công tác hỗ trợ doanh nghiệp khi nguồn cung bị đứt gãy, ông Nguyễn Ngọc Thành cho hay, Bộ Công Thương đã trình và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và Nghị quyết 124/NQ-CP ngày 3/9/2020 Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ-TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 115, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi các Bộ ngành, địa phương, trong đó đề nghị sớm thúc đẩy triển khai các vấn đề liên quan đến các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ nguồn cung cho sản xuất trong nước.
Trong thời gian dịch Covid-19 đợt 1, lãnh bộ đã trực tiếp điện đàm với các đối tác, đặc biệt là các đối tác Trung Quốc để đảm bảo an toàn lưu thông nguồn hàng, tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung. Đồng thời, tìm kiếm các nguồn bổ sung. Về công tác hỗ trợ, tìm kiếm thị trường, trong thời gian qua, các đơn vị trong bộ đã phối hợp với các tham tán thương mại để tìm kiếm thị trường mới.
Ngoài ra, Bộ tiếp tục hoàn thành, trình Chính phủ xem xét ban hành giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam, dự kiến trình Chính phủ trong năm 2020, sau khi xin ý kiến các bộ ngành.
Bộ cũng đã trình dự thảo sửa bổ sung Nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ, dự kiến ban hành trong năm nay; sửa đổi bổ sung thêm Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 - 2025, trong đó đề nghị kéo dài chương trình đến năm 2030, dự kiến trình trong năm nay; Xây dựng chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày, sớm trình Chính phủ năm 2020…
Trong thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng và trình Chính phủ một số nội dung liên quan tăng cường tính tự chủ sản xuất trong nước, hạn chế các tác động của các yếu tố quốc tế như dịch bệnh như thời gian vừa qua.
Ông Thành đánh giá, đến thời điểm hiện nay, đầu ra mới là vấn đề vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp dệt may, da giày xuất khẩu đi các nước. “Tiêu thụ mới là vướng mắc lớn nhất” - ông Thành nhấn mạnh.
Hiệu quả của EVFTA tính bằng đơn hàng
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có là cứu cánh cho xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19? Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nêu con số, qua 2 tháng Hiệp định EVFTA chính thức đi vào thực thi đã đạt những kết quả rất tích cực. Cụ thể, tháng 8, xuất khẩu sang EU đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, tháng 9 tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu |
Trong việc sử dụng FTA và EVFTA nói chung, nhìn vào việc cấp C/O cho thấy, qua 2 tháng thực hiện Hiệp định EVFTA, Bộ Công Thương đã cấp 20.800 C/O sang EU với kim ngạch 830 triệu USD, trong đó, trong tháng 8 là 310 triệu USD, tháng 9 là 519 triệu USD. Việc này thể hiện doanh nghiệp đã nắm bắt được quy định và tận dụng được ưu đãi của EVFTA.
Các mặt hàng tận dụng tốt chủ yếu là giày dép, cà phê, rau quả… Trong đó, các mặt hàng giày dép (tốt nhất là 385 triệu USD), thủy sản (118 triệu USD), nhựa và sản phẩm nhựa là 48 triệu USD. “Đây là kết quả rất tích cực, EVFTA có hiệu lực đã có tác đọng rất kịp thời, giúp cho các doanh Việt Nam tìm được đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh năm 2020 chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19” - ông Hải nói.
EVFTA tạo đầu ra cho nhiều sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam |
Tuy đạt được những kết quả tích cực, xuất khẩu tăng trưởng dương, nhưng một số ngành, như ngành dệt may, da giày tăng trưởng xuất khẩu chậm, do đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong thúc đẩy xuất khẩu là hết sức quan trong.
Để các doanh nghiệp có thể tận dụng được các lợi thế từ EVFTA, sáng ngày 17/10, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết sơ kết cũng như phổ biến lợi ích, cách thức khai thác lợi thế từ EVFTA. “Công tác thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là thông tin về thị trường, trong thời gian vừa qua, bộ phận xúc tiến cũng đã đẩy mạnh công tác thông tin thị trường để phục vụ cho các doanh nghiệp trong công tác tìm kiếm thị trường, giúp các doanh nghiệp có phương án tốt hơn” - ông Hải nói.
Về lâu dài, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các ngành để tạo ra các nguồn hàng có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đối với các mặt hàng nông sản sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, gắn với chế biến, thu mua tiêu thụ, từ đó đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị.