EU và Trung Quốc tiến gần đến thỏa thuận xóa bỏ thuế quan đối với ô tô điện
Thông tin trên được Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange chia sẻ với đài truyền hình NTV.
“Chúng tôi sắp đạt được giải pháp và thoả thuận với Trung Quốc để xóa bỏ thuế quan. Trung Quốc có thể cam kết cung cấp ô tô điện cho Liên minh châu Âu (EU) với mức giá không thấp hơn mức tối thiểu. Điều này sẽ loại bỏ vấn đề cạnh tranh thông qua hỗ trợ không công bằng, đó là lý do tại sao thuế quan được đưa ra ngay từ đầu”, ông Lange nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế cũng nói rằng, ông muốn chia sẻ những lo ngại của Đức về các biện pháp đáp trả có thể xảy ra. Đức là nước đi đầu trong việc phản đối biện pháp áp thuế này, vì lo ngại rằng nếu Trung Quốc trả đũa, các dòng xe động cơ xăng của các hãng Đức sẽ chịu thiệt hại lớn. Nhiều hãng xe Đức lo ngại Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách tăng thuế hoặc áp dụng các biện pháp khác.
EU áp thuế bổ sung đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: Pixabay |
Đầu tháng 10, Đức đã bỏ phiếu phản đối việc áp thuế bổ sung tại cuộc họp EU, trong khi đó 10 nước ủng hộ, 5 nước bỏ phiếu chống và 12 nước bỏ phiếu trắng.
Theo Ủy ban châu Âu, giá xe điện Trung Quốc nhìn chung thấp hơn 20% so với giá xe sản xuất tại châu Âu. Dữ liệu cũng cho thấy thị phần của các thương hiệu Trung Quốc tại châu Âu đã tăng từ dưới 1% năm 2019 lên 8% năm nay và có thể tăng lên 15% vào năm 2025.
Trước đó, ngày 29/10, EU đã nhất trí áp thuế bổ sung đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi các cuộc đàm phán với Bắc Kinh không đạt được thỏa thuận giúp chấm dứt tình trạng bế tắc.
Trong quyết định cuối cùng được công bố, Ủy ban châu Âu xác nhận EU sẽ áp dụng mức thuế mới cao nhất tới 35,3%, cao hơn so với mức 10% hiện nay đối với ôtô điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cụ thể, thuế đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ là 17% đối với ô tô của BYD, 18,8% đối với ô tô của Geely và 35,3% đối với ô tô của SAIC thuộc sở hữu nhà nước.
Geely có các thương hiệu bao gồm Polestar và Volvo của Thụy Điển, trong khi SAIC sở hữu MG của Anh, một trong những thương hiệu xe điện bán chạy nhất châu Âu.
Quyết định trở thành luật sau khi được công bố trên công báo chính thức của EU ngày 30/10 và có hiệu lực từ ngày 31/10.
Ngay sau đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, các cuộc đàm phán kỹ thuật giữa hai bên đã được nối lại nhằm đi đến một giải pháp dừng đánh thuế hoặc giảm thuế, đổi lại các công ty đồng ý với mức giá tối thiểu khi bán xe điện ở EU.