EU huy động nguồn lực đối phó với kinh tế thời chiến
Viện phân tích quan hệ quốc tế (Iari) của Italia mới đây có bài phân tích cho rằng, dù Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố muốn đầu tư thêm nguồn lực cho quốc phòng, nhưng chiến lược này đối mặt với nhiều rào cản.
Nỗ lực của EU với kinh tế thời chiến
Trong 30 năm qua, kể từ khi Liên Xô sụp đổ và toàn cầu hóa với thương mại tự do, đặc trưng bởi sự sụp đổ của rào cản hải quan và việc bãi bỏ kiểm soát di chuyển vốn, các nước châu Âu đã tận hưởng một thời kỳ hòa bình và hội nhập kinh tế vốn được cho là kéo dài.
Mặc dù trong khoảng thời gian này cũng chứng kiến một số nước thành viên EU tham gia vào các cuộc xung đột ở châu Âu và ngoài châu Âu (xung đột tại Nam Tư cũ, Iraq, Afghanistan và các nước châu Phi), nhưng cảm giác nói chung là an toàn, xuất phát từ niềm tin vào lợi ích của thương mại tự do và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, cũng như sự bảo vệ của Mỹ thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã dẫn đến việc các nước châu Âu không chú trọng đến lĩnh vực quốc phòng cũng như nền công nghiệp sản xuất chuyển sang nền kinh tế khu vực.
Xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy nhiều nước châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng. Ảnh: AP |
Việc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ đã làm đảo ngược mô hình này, khi khiến EU cảm thấy bất an và buộc các nước thành viên phải xem xét lại cách tiếp cận đối với an ninh quốc gia. Mặt khác, sự phụ thuộc của châu Âu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc và hydrocarbon đến từ các nước ngoài EU là yếu tố gây bất ổn hơn nữa cho các nước châu Âu và buộc các nước phải điều chỉnh lại nền kinh tế cho phù hợp với những thách thức mới này.
Nền kinh tế chiến tranh là khái niệm vượt xa việc đơn giản là tăng chi tiêu cho quân sự và tăng tỷ trọng ngân sách quốc phòng trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khi nó yêu cầu việc tổ chức lại toàn bộ bộ máy sản xuất cho phù hợp với bầu không khí căng thẳng và bất an mà các quốc gia đang phải đối mặt.
Tính trung tâm của sản xuất hay cung ứng gây bất lợi cho nhu cầu chắc chắn là yếu tố đặc trưng của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế hòa bình sang nền kinh tế chiến tranh bởi việc này cho phép vừa giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài, vừa tập trung nguồn lực và nỗ lực hướng tới một mục tiêu được xác định rõ nét hơn.
Khi Nga mở cuộc tấn công vào Ukraine, EU bắt đầu hướng tới nền kinh tế chiến tranh. Sau những nỗ lực đầu tiên nhằm tăng cường năng lực sản xuất của EU, chủ yếu là tăng cường công nghiệp quốc phòng châu Âu thông qua Đạo luật Mua sắm chung (EDIRPA) và Đạo luật hỗ trợ sản xuất đạn dược (ASAP), tháng 5/2024, Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra Chiến lược công nghiệp quốc phòng châu Âu (EDIS) với mục tiêu đảm bảo rằng 50% ngân sách của các nước EU chảy vào các nhà sản xuất nội địa và 40% tổng mua sắm được các nước thành viên phối hợp thực hiện.
Thông qua việc ký kết trực tiếp các thỏa thuận giữa Liên minh và các quốc gia riêng lẻ về mua bán vật liệu chiến tranh, EC có ý định tài trợ cho việc lưu trữ các kho dự trữ quốc phòng quan trọng, tạo ra một danh mục các thiết bị sản xuất tại EU và đơn giản hóa các quy định đối với các hợp đồng mua bán vật liệu quân sự, bao gồm các thiết bị và dụng cụ điện tử. Trong khuôn khổ tương tự như EDIS, EC đề xuất quy định Chương trình công nghiệp quốc phòng châu Âu (EDIP), theo đó kết hợp hỗ trợ tài chính từ ngân sách EU là 1,5 tỷ Euro cho giai đoạn 2025-2027 với hợp tác về kinh tế và quân sự với Ukraine.
Trọng tâm của chiến lược được EC thông qua, chủ yếu nhằm đối phó với mối đe dọa từ Nga và hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine, bao gồm sản xuất và buôn bán vũ khí trong nội bộ EU nhiều hơn. Trên thực tế, thâm hụt chiến lược chính của các nước châu Âu là sự phụ thuộc vào Mỹ và “cái ô” NATO, điều này chuyển thành việc mua và sử dụng các công nghệ quân sự được sản xuất tại Mỹ.
Trong giai đoạn 2019-2023, nhập khẩu vật liệu chiến tranh từ Mỹ chiếm 55% tổng số, tăng 20% so với giai đoạn 2014-2018, do đó củng cố vai trò của Mỹ là nước xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực này. Điều này đã dẫn đến sự bùng nổ về doanh thu cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, như trường hợp của các tập đoàn Lockheed Martin, General Dynamics và Northrop Grumman.
EU đối mặt với thử thách mới
Chiến lược của châu Âu dù đầy tham vọng, nhưng phải đối mặt với nhiều trở ngại, chủ yếu liên quan đến lợi ích kinh tế và lợi ích chiến lược của các quốc gia khác nhau cũng như cấu trúc chung của nền kinh tế châu Âu. Cụ thể:
Thiếu khu vực sản xuất mạnh có khả năng đáp ứng các nhu cầu mới. Sau những lựa chọn chính trị đã được chứng minh là thiếu thận trọng về dài hạn, chẳng hạn như cuộc chạy đua giảm khí thải carbon, cùng với việc di dời sản xuất đến các quốc gia có chi phí lao động thấp và những cú sốc bên ngoài làm tổn hại đến chuỗi giá trị toàn cầu trong những năm gần đây, các nước châu Âu trải qua quá trình phi công nghiệp hóa.
Các nhà phân tích cho rằng, chiến sự Nga-Ukraine đã cho thấy ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu chưa chuẩn bị tốt trước một số thách thức lớn. Ảnh: AP |
Ví dụ nổi bật nhất chắc chắn là Đức, quốc gia mà theo Bloomberg những ngày tháng là "siêu cường sản xuất" đã kết thúc. Cuộc khủng hoảng công nghiệp của châu Âu được thể hiện qua việc nhu cầu điện liên tục giảm.
Ngoài ra, ngành năng lượng không hiệu quả. Các quyết định chính trị về năng lượng, nhằm đạt được mục tiêu giảm khí thải cacbon trong một khoảng thời gian quá ngắn thông qua việc sử dụng các nguồn thay thế, khiến các nước châu Âu phải chịu giá điện cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh chính trên toàn cầu. Việc này đương nhiên có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kinh tế theo nghĩa rộng hơn.
Phụ thuộc vào nguồn cung ứng nước ngoài, hậu quả trực tiếp của các điểm trên là vấn đề phụ thuộc. Về sản xuất là phụ thuộc vào Trung Quốc, về quân sự là phụ thuộc vào Mỹ và về năng lượng là phụ thuộc vào các quốc gia không liên kết về mặt ngoại giao với EU, như trong trường hợp này trước tiên là Nga và sau đó là Algeria và Azerbaijan.
Sự phối hợp trong khối, vì đây là chiến lược liên quan đến cả các vấn đề chính sách đối ngoại và an ninh chung cũng như tài chính của EU, nên cần sự nhất trí giữa các thành viên của Hội đồng châu Âu, vốn hiếm khi đạt được sự đồng ý nhanh chóng về những vấn đề này.
Một số quốc gia có thể phản đối việc từ bỏ nguồn cung quân sự “truyền thống” để chuyển sang các nhà cung cấp trong EU và những quốc gia khác có thể coi dự án này là sự hạn chế hơn nữa đối với chủ quyền quốc gia. Cuối cùng, vấn đề ngân sách có thể khiến các quốc gia có lợi ích và ưu tiên khác nhau phải dùng đến quyền phủ quyết, do đó làm tê liệt đề xuất này.
Do đó, dự án của EC nhằm tăng cường năng lực của ngành công nghiệp quân sự châu Âu thể hiện nhận thức của EU về tình hình quốc tế bất ổn và là bước đầu tiên trong nỗ lực thích ứng với các nhu cầu địa chính trị mới. Tuy nhiên, sự suy giảm công nghiệp của các nước thành viên so với phần còn lại của thế giới, sự phụ thuộc vào các tác nhân bên ngoài và khó khăn trong việc tìm ra điểm chung để xây dựng chiến lược chung vẫn là những hạn chế khó khắc phục.