Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Huy động hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp triển khai thực hiện
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, một công trình mang tầm vóc quốc gia, đang bước vào giai đoạn quyết định. Văn phòng Chính phủ vừa công bố kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Dự án, khẳng định quyết tâm của Chính phủtrong việc đẩy nhanh tiến độ, rà soát cơ chế, chính sách đặc thù và huy động nguồn lực tối đa cho dự án này.
Được xác định là công trình đặc biệt quan trọng góp phần nâng tầm vị thế của đất nước trong kỷ nguyên mới, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với vận tốc thiết kế 350km/h, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều lợi ích to lớn. Tuyến đường sắt này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, tạo ra không gian phát triển mới và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với vận tốc thiết kế 350km/h, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều lợi ích to lớn. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ |
Tuy nhiên, việc triển khai dự án này cũng đặt ra nhiều thách thức cần được giải quyết một cách hiệu quả. Dự án đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khổng lồ, cần huy động đa dạng nguồn lực, trong đó đầu tư công là chính, kết hợp với các nguồn vốn BOT, BT và các nguồn vốn hợp pháp khác...
Để giải quyết những thách thức này, Thường trực Chính phủ đã đưa ra những yêu cầu cụ thể: Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ Dự án, trong đó nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các bộ, ngành, Thường trực Chính phủ và ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội đồng thẩm định Nhà nước tiếp tục phát huy tinh thần quyết liệt, phấn đấu hoàn thành công tác thẩm định sớm nhất để trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương trước khi khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Phương án thiết kế kỹ thuật phải bám sát chủ trương đầu tư toàn tuyến với tốc độ thiết kế 350km/h, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Hướng tuyến cần nghiên cứu để thẳng nhất có thể nhằm giảm chi phí, tạo ra không gian phát triển mới, thuận tiện kết nối với sân bay, cảng biển lớn và các tuyến đường sắt quốc tế. Diện tích các ga cần đủ lớn, hiện đại để phát triển đầy đủ dịch vụ và khai thác hiệu quả tối đa nguồn lực đất đai.
Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết nhằm huy động tối đa nguồn lực và cắt giảm, rút gọn các thủ tục đầu tư Dự án. Kiến nghị Quốc hội cho phép cơ chế chính sách phát sinh sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ quyết định. Phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương nhằm huy động nguồn lực của cả hệ thống chính trị, đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng.
Về tiến độ trình, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thu ý kiến, hoàn thiện Hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định Nhà nước trước ngày 10 tháng 10 năm 2024. Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Hội đồng thẩm định Nhà nước, kịp thời tiếp thu, giải trình ý kiến.
Hội đồng thẩm định Nhà nước hoàn thành thẩm định trước ngày 18 tháng 10 năm 2024;
Yêu cầu chậm nhất ngày 20 tháng 10 năm 2024 phải có Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội, trước ngày khai mạc kỳ họp Thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải trực tiếp chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện chuẩn bị hồ sơ, thủ tục trình Quốc hội đúng tiến độ, chất lượng.
Thường trực Chính phủ cũng nhấn mạnh việc ưu tiên triển khai tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025, nhằm đẩy nhanh tiến độ kết nối với tuyến đường sắt Trung Quốc.
Để thực hiện thành công Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và sự quyết tâm cao của các cơ quan chức năng. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ là một công trình giao thông, mà còn là một biểu tượng của khát vọng kết nối, của sự phát triển bền vững, góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển năng động và hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.