Đua nhau trồng cam, Con Cuông đứng trước bài toán cung vượt cầu
Hơn 20 ha cam Bãi Phủ hứa hẹn một vụ cam thắng lợi lớn |
Vừa qua huyện Con Cuông có chủ trương đổi mới mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhiều hộ dân các xã Yên Khê, Bồng Khê, Chi Khê, thị trấn con Cuông... bắt tay vào thực hiện mô hình trồng cam. Ba năm trở lại đây, cứ trung bình 1 ha cam đã mang lại thu nhập cho người dân gần 500 triệu đồng.
Thấy trồng cam cho nguồn thu lớn, bà con đã đổ xô đầu tư trồng mới với mong muốn cây trồng này sẽ mang lại giàu sang. Đến nay toàn huyện Con Cuông có 255 ha cam trồng tập trung nhiều ở các xã Yên Khê, Chi Khê, Bồng Khê, thị trấn... Riêng xã Yên Khê chiếm nhiều nhất với 192 ha.
Thực tế cho thấy, không phải ngẫu nhiên mà bà con phát triển mạnh diện tích cam. Trước đây Con Cuông đã nổi danh với sản phẩm cam quả của Nông trường Bãi Phủ. Cam Bãi Phủ được chứng minh bằng chất lượng và giá trị kinh tế vượt trội, nhưng Cam Bãi Phủ chỉ nổi danh nhờ cam xã Đỉnh Sơn, diện tích trồng cam ngon nằm ở các đội Tân Hòa, đội 19/5, đội 323.
Sau một thời gian thấy cam Bãi Phủ có giá, người ta trồng cam quá nhiều. Khi mưa thuận gió hòa cam trĩu quả, khi gặp nắng hạn cam không thể cho quả to ngọt, khi gặp mưa nhiều cam vàng rụng đầy vườn, và khi cung vượt quá cầu, cam rớt giá. Nhiều bà con vùng Đỉnh Sơn đã phải cầm dao chặt cam trồng chè.
Bẵng đi gần 20 năm do những biến động cung- cầu, đến nay cam Bãi Phủ đã có giá “trở lại” và được sản xuất với quy trình kỹ thuật chuyên biệt hơn, chất lượng tốt hơn. Cam Bãi Phủ đang thu hút khách hàng và được trồng trở lại tại các địa danh trên, ngoài ra còn mở rộng thêm đến thôn Tháng Tám. Vụ cam năm nay vùng Bãi Phủ sẽ có hơn 300 ha cam đã bắt đầu cho thu hoạch.
Thấy cam cho nguồn thu lớn, người nông dân có đất nhưng khó khăn về tài chính sẽ hợp tác với người có vốn để cùng trồng cam, sau khi thu hoạch sẽ chia đôi lợi nhuận, một nửa dành cho chủ có đất, số còn lại thuộc về người đầu tư, nhờ thế mà diện tích cam càng tăng nhanh. Hai năm lại đây, giá cam bán tại vườn thường đạt 20.000 – 25.000 đồng/kg, một số hộ trồng cam đổi đời nhanh chóng.
Điều mà ít người quan tâm là chu kỳ của cây cam khoảng 7-10 năm, gặp mưa thuận gió hòa 3 năm đầu cây cam sinh trưởng tốt, năm thứ 3 cam cho quả bói và năm thứ 4 cam chính thức cho thu hoạch. Từ năm thứ 4 đến năm thứ 7, cam cho quả ngọt, sang năm thứ 8 nếu bón phân chuồng tốt cam còn cho quả bình thường, nếu bón kém, khí hậu khô hạn quả cam sắt lại, quả nhỏ hạt nhiều, cây cam bắt đầu thoái hóa.
Trước đây nhiều hộ trồng cam ở Bãi Phủ phải vào tận các bản vùng sâu ở Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn... mua phân trâu bò về bón cho cam. 1ha cam từ năm thứ 4 trở đi nếu không có 25-30 tấn phân trâu bò bón sẽ khó mà cho quả ngọt. Gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường, sâu bệnh phát triển mạnh, người trồng cam phải ngày trông đêm giữ nhưng sâu bệnh, nhất là bệnh ruồi vàng vẫn xuất hiện.
Biển quảng cáo cam Bãi Phủ đang thu hút sự chú ý của khách hàng |
Những người nông dân vốn xưa nay chỉ quen làm nương rẫy với phương thức sản xuất “tự nhiên”, nhất là những hộ dân đồng bào dân tộc Thái, nếu không chịu khó học hỏi và không đầu tư công sức, thời gian... thì thất bại trong trồng cam là điều khó tránh khỏi. Mặt khác, phải thấy rõ cam Con Cuông chủ yếu phục vụ khách đi đường tuyến quốc lộ 7A, và chủ yếu được các cơ quan, đơn vị, cá nhân... mua làm quà tặng. Mấy năm nay, lượng cam đang ít nên cung chưa đủ, cam khá được giá. Nếu như phát triển ồ ạt, sản lượng nhiều, thị thị trường tiêu thu cũng là bài toán nan giải.
Cùng với việc mở rộng quy mô diện tích trồng cam, huyện cũng từng bước phục hồi nhãn hiệu cam Con Cuông, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài các chính sách cụ thể dành cho hộ trồng cam, chính quyền địa phương sẽ gián tiếp hỗ trợ thông qua việc tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm...
Một mùa cam mới đang bắt đầu ra hoa kết trái, điều mà cả huyện và bà con cần quan tâm là sức mua hiện nay đã bắt đầu bão hòa. Đây là điều người trồng cam và cấp ủy chính quyền các xã phải hết sức quan tâm.
Lâu nay câu “được mùa mất giá" đã quá quen với bà con. Sẽ là một thảm họa nếu cung vượt quá cầu, tạo ra khủng hoảng thừa. Bài học quả chanh Con Cuông năm vừa qua do cung vượt cầu khiến chanh rớt giá thảm hại, người trồng chanh lao đao vẫn còn đó. Ai dám cam đoan vụ cam năm nay, cam Con Cuông không lặp lại như chanh bởi khi cung đã vượt cầu và đầu ra ngoài tỉnh chưa có... |