Đưa đặc sản vùng miền tới người tiêu dùng
Ảnh minh họa |
Được tổ chức thường niên từ năm 2014, Hội chợ Đặc sản vùng miền có tác động thế nào đến các địa phương cũng như những doanh nghiệp (DN) tham gia, thưa bà?
Mỗi địa phương đều có những sản phẩm đặc trưng, nhưng thời gian qua, những sản phẩm này không được nhiều người tiêu dùng biết đến nên thị trường tiêu thụ khá hạn hẹp. Trước yêu cầu đó, Sở Công Thương Hà Nội và HPA đã tổ chức kết nối với các tỉnh, thành, giới thiệu và quảng bá các đặc sản vùng miền, kết nối cung cầu. Qua mỗi đợt tổ chức, hội chợ thu hút gần 10.000 lượt khách tham quan mua sắm và giao dịch. Có gần 100 giao dịch, 600 biên bản ghi nhớ, hợp tác ký kết giữa DN của 40 tỉnh, thành phố được ký kết hàng năm.
Đến nay, hội chợ đã dần được nâng lên về chất lượng và quy mô, trở thành sự kiện xúc tiến thương mại có uy tín, thu hút sự hưởng ứng và tham gia của đông đảo các tỉnh, thành phố.
Vậy bà đánh giá thế nào về Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam năm nay?
Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2016 thực sự đã tạo được sức hút lớn với người tiêu dùng thủ đô và vùng lân cận, cũng như bạn bè quốc tế. Tham gia hội chợ năm nay có 250 gian hàng của gần 200 đơn vị, DN đến từ hơn 50 tỉnh, thành phố trong cả nước, quy tụ các sản phẩm đặc sắc, tinh túy từ khắp mọi miền đất nước như: Bưởi Năm Roi, nước mắm Phú Quốc, mắm chua Huế, tiêu Tiên Phước, chè Tân Cương, giò chả Ước Lễ, bánh chưng Tranh Khúc… Một số sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa.
Hội chợ được chia thành các khu gian hàng của từng vùng miền như: Vùng Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, vùng Tây Nguyên… Đặc biệt, các gian hàng trưng bày được thiết kế theo phong cách gian hàng mây tre lá với các tiểu cảnh mô phỏng văn hóa dân tộc truyền thống các vùng miền, tạo không gian độc đáo, thu hút sự quan tâm của khách tham quan.
Theo bà, cần phải giải quyết những vấn đề gì để có thể đạt được mục tiêu đưa Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam lên tầm quốc tế?
Để đạt mục tiêu nâng tầm hội chợ, chúng tôi đã tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến. Đặc biệt, chúng tôi đã kết nối với những đối tác của Nhật Bản, Thái Lan. Dự kiến đến năm 2018, sẽ nâng lên tầm quốc tế, thu hút nhiều hơn nữa các DN nước ngoài tham gia, giúp DN Việt Nam có thêm cơ hội đưa sản phẩm đặc sản vùng miền Việt Nam quảng bá rộng rãi và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, qua các lần tổ chức, chúng tôi nhận thấy nhiều đơn vị, DN mới chỉ tập trung vào việc bán hàng mà chưa đầu tư về nhân lực, mẫu mã, bao bì, nhãn mác.. cho công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Như vậy, có thể thấy các DN vẫn chưa chú trọng vào giao lưu kết nối, chưa nhận thức được hết cơ hội của mình khi tham gia hội chợ. Chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự phối hợp giữa các địa phương và đặc biệt là các DN để chương trình thường niên này sẽ đạt hiệu quả ngày một lớn, nâng tầm thành hội chợ quốc tế, góp phần đưa sản phẩm các địa phương của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Xin cảm ơn bà!