Thứ tư 07/05/2025 02:36

Du lịch 'bùng nổ', hàng không căng mình giữ nhịp tăng trưởng

Năm 2025 có tín hiệu phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt Nam, khi cả khách quốc tế lẫn nội địa đều tăng trưởng ấn tượng, góp phần thúc đẩy ngành hàng không.

Năm 2025 đánh dấu giai đoạn tăng tốc mới của ngành du lịch Việt Nam, khi lượng khách quốc tế và nội địa đều tăng trưởng mạnh mẽ ngay trong nửa đầu năm. Sự hồi sinh này đang kéo theo làn sóng phục hồi sâu rộng của ngành hàng không, vốn từng chịu "tổn thương nặng nề" trong đại dịch.

Du lịch quốc tế bứt phá, nội địa giữ vững đà tăng

Chỉ trong ba tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng ấn tượng trong bối cảnh nhiều thị trường vẫn đang trong quá trình hồi phục sau khủng hoảng kinh tế và Covid-19. Riêng tháng 3/2025, Việt Nam ghi nhận tới hơn 2,05 triệu lượt khách quốc tế, lập kỷ lục mới sau đại dịch.

Các thị trường Đông Bắc Á tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt. Trung Quốc vẫn là nguồn khách lớn nhất với hơn 956.000 lượt chỉ trong hai tháng đầu năm. Hàn Quốc bám sát với 850.000 lượt. Đáng chú ý, thị trường Ấn Độ và Australia cũng tăng trưởng mạnh, phản ánh hiệu quả từ chính sách visa điện tử và các chiến dịch xúc tiến du lịch tại Nam Á, châu Đại Dương.

Du lịch Việt Nam ghi nhận tín hiệu tích cực giai đoạn đầu năm 2025. Ảnh minh họa: Chinhphu.vn

Không kém phần sôi động, du lịch nội địa tiếp tục duy trì sức nóng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và các sự kiện lễ hội đầu năm. Ước tính quý I/2025, TP. Hồ Chí Minh đón hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 18,2%; Hà Nội dự kiến đón 7,3 triệu lượt khách, tăng 8,7%. Doanh thu từ du lịch lần lượt đạt hơn 56.662 tỷ đồng và 29.930 tỷ đồng, cho thấy sự phục hồi không chỉ về lượng khách mà cả chất lượng chi tiêu.

Sự bứt phá của du lịch đã kéo theo sự sôi động trở lại của ngành hàng không. Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 2/2025, tổng lượng hành khách qua các cảng hàng không đạt 7,3 triệu lượt, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng khách quốc tế chiếm 4,2 triệu lượt - mức tăng 22% so với tháng 2/2024.

Thông tin với báo chí, đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng đang đẩy mạnh khai thác các đường bay quốc tế trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu, đồng thời nghiên cứu mở mới các tuyến bay đi Ấn Độ, Trung Đông. Vietjet Air tiếp tục tiếp cận thị trường Ấn Độ, Australia, Kazakhstan, đồng thời khai thác tốt các đường bay du lịch nội địa.

Đồng thời, ngày 6/5, đại diện Vietnam Airlines cho biết, trong giai đoạn cao điểm hè 2025, hãng sẽ khai thác hơn 43.000 chuyến bay trên toàn mạng lưới, cung ứng gần 9 triệu ghế phục vụ hành khách, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2024.

Không chỉ là đối tác tiêu thụ dịch vụ vận chuyển, các doanh nghiệp lữ hành còn đóng vai trò chủ động trong việc thúc đẩy mở đường bay mới, đặc biệt ở các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Australia, Trung Đông. Nhiều tour trọn gói kết hợp với hãng bay được triển khai nhằm đảm bảo giá cả ổn định và chất lượng dịch vụ đồng bộ.

“Việc kết nối chặt chẽ với hãng hàng không giúp chúng tôi xây dựng sản phẩm tốt hơn, kiểm soát giá thành, từ đó tạo được sức hút thị trường. Hiện khách outbound đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ đang tăng rõ rệt”, ông Bùi Thanh Tú - Giám đốc marketing Công ty Lữ hành Best Price - chia sẻ.

Đồng thời, làn sóng khách inbound quay trở lại cũng thúc đẩy các doanh nghiệp khai thác hiệu quả các điểm đến mới tại miền Trung và Tây Bắc. Các tuyến du lịch gắn với thiên nhiên, văn hóa bản địa đang ngày càng thu hút khách Âu - Mỹ nhờ lợi thế chi phí và sự độc đáo.

Những thách thức cần tháo gỡ

Dù triển vọng tích cực nhưng các chuyên gia nhận định, du lịch và hàng không Việt Nam vẫn đối mặt không ít thách thức. Thứ nhất là năng lực hạ tầng. Tình trạng quá tải tại các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh tiếp tục gây áp lực cho các hãng bay, nhất là vào dịp cao điểm.

Thứ hai là nhân lực ngành hàng không vốn chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch đang thiếu hụt trầm trọng. Việc đào tạo phi công, kỹ sư bảo dưỡng, tiếp viên… cần thời gian và đầu tư bài bản, trong khi nhu cầu tăng nhanh đột biến.

Thứ ba là bài toán chi phí. Giá nhiên liệu, bảo hiểm, khai thác slot… vẫn ở mức cao khiến nhiều hãng bay gặp khó trong việc hạ giá vé, từ đó ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của tour trọn gói. Các công ty lữ hành cũng thường xuyên phải điều chỉnh chương trình do biến động giá vé máy bay.

Ngành hàng không đứng trước một số thách thức trên đà tăng trưởng. Ảnh minh họa: Chinhphu.vn

Để giải quyết một số thách thức kể trên, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành chỉ thị nâng cao hiệu quả vận tải hàng không trong bối cảnh năm 2025 diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước. Dù vậy, ngành vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt máy bay do ảnh hưởng từ lệnh triệu hồi động cơ và tình trạng khan hiếm máy bay cho thuê, thiết bị và vật tư trên toàn cầu.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không trong nước tiếp tục mở rộng và phát triển hoạt động khai thác quốc tế, đặc biệt tăng cường kết nối tới các sân bay địa phương có thế mạnh du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Phú Quốc, Vân Đồn, Cát Bi và Đà Lạt.

Đồng thời, các hãng hàng không cần xây dựng kế hoạch khai thác chi tiết, tăng cường nguồn lực phục vụ cao điểm hè 2025, đặc biệt trên các đường bay du lịch. Dự kiến toàn mạng nội địa có hơn 68.500 chuyến bay, tăng 18% so với cùng kỳ 2024.

Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các hãng theo sát nhu cầu thị trường, bổ sung chuyến bay kịp thời, tăng khai thác khung giờ đêm và giờ thấp điểm, phối hợp với cảng hàng không và các đơn vị dịch vụ để đảm bảo vận hành thông suốt, hạn chế chậm hủy chuyến.

Cơ quan chức năng cũng yêu cầu nâng tỷ lệ bay đúng giờ, bán vé đúng khung giá quy định, kiểm soát hoạt động đại lý và xử lý tốt phản ánh của hành khách, tránh phát sinh "điểm nóng" tại sân bay.

Trong khi đó, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế và 120-130 triệu lượt khách nội địa trong năm 2025. Để hiện thực hóa mục tiêu cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch và hãng hàng không trong việc duy trì chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh số hóa, khai thác thị trường mới và bảo đảm năng lực phục vụ.

Với nền tảng là một thị trường nội địa có tầng lớp trung lưu gia tăng và chính sách mở cửa linh hoạt, sự đồng hành giữa hàng không và du lịch chính là chìa khóa giúp Việt Nam cất cánh mạnh mẽ, không chỉ sau đại dịch mà cả trong thập kỷ tăng trưởng tiếp theo.
Trần Đình
Bài viết cùng chủ đề: Hàng không Việt Nam

Tin cùng chuyên mục