Thứ tư 25/12/2024 08:08

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi): Thể hiện rõ vai trò Nhà nước

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, trong đó sẽ cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Sáng 15/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022.

Theo chương trình, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 3 dự án luật trong đó có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo.

Sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cùng với đó, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, đã chỉ rõ và đặt ra yêu cầu xem xét, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời

Vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Mục đích và quan điểm xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Theo Bộ Công Thương, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm: Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.

Xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành sau như: Bộ luật dân sự năm 2015; Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2014, năm 2017 và năm 2020; Luật Doanh nghiệp năm 2020; Luật Đầu tư năm 2020; Luật Cạnh tranh năm 2018... nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Tại Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27 tháng 7 năm 2021, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trong đó có dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với kế hoạch trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10 năm 2022) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5 năm 2023).

Thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng khuyến khích sáng tạo trong việc xây dựng và thực thi quy định, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tạo động lực cho cạnh tranh và phát triển sáng tạo của doanh nghiệp, hỗ trợ, khuyến khích hoạt động của các tổ chức xã hội, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Trong Quan điểm xây dựng dự án Luật, Bộ Công Thương khẳng định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội và bảo vệ người tiêu dùng chính là bảo vệ những quyền thiêng liêng của mỗi công dân. Tiếp tục bảo vệ sự yếu thế của người tiêu dùng trong các giao dịch với các tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Bản chất của quan hệ giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp là một loại quan hệ tư, pháp luật của hầu hết các nước đều dành cho các bên trong quan hệ hợp đồng một sự tự do thỏa thuận và sự can thiệp của nhà nước vào các dạng quan hệ này tương đối hạn chế. Tuy nhiên, nếu để các bên tự do vô hạn thì hợp đồng sẽ trở thành phương tiện để bên mạnh hơn lấn át bên yếu thế, từ đó, gây hậu quả xấu tới lợi ích chung của xã hội.

“Người tiêu dùng luôn là bên thiếu thông tin, đặc biệt là các thông tin và kiến thức liên quan đến đặc tính kỹ thuật của sản phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng thường ít có cơ hội đàm phán, thương lượng trong quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Do đó sự can thiệp của nhà nước vào các quan hệ tư này sẽ góp phần ổn định trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích chung của xã hội và trong một chừng mực nhất định tạo ra thế cân bằng trong giao lưu dân sự” - Bộ Công Thương khẳng định.

Đồng thời, từng bước trang bị các kiến thức, kỹ năng tiêu dùng để hình thành sự chủ động của người tiêu dùng. Bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch dân sự giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính.

Theo đó, các quy định cần phải được xây dựng theo hướng giúp ngăn chặn, hạn chế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm nhưng cũng cần khuyến khích, bảo vệ các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính.

Ngoài ra, việc sửa Luật cũng thúc đẩy xã hội hóa công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng và các giao dịch xuyên biên giới. Kế thừa, phát triển các quy định hiện hành, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện tại Việt Nam...

Dự án Luật đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Công Thương tổ chức đa dạng các hoạt động lấy ý kiến hoàn thiện Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Bộ Công Thương đã tổ chức tổng kết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc và đề xuất giải pháp hoàn thiện nhằm cung cấp các luận cứ thực tiễn cho việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), báo cáo Chính phủ tại Tờ trình số 1695/TTr-BCT ngày 29 tháng 3 năm 2021.

Bộ đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Luật Bảo vệ quyền lợi ngươi tiêu dùng (sửa đổi) tại Quyết định số 2413/QĐ-BCT ngày 27 tháng 10 năm 2021. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên là Trưởng ban soạn thảo, đại diện các Bộ, cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học là thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập theo đúng quy định.

Đã rà soát, nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan (Hiến pháp năm 2013, Luật Dân sự số 91/2015/QH13, Luật Tố tụng Dân sự số 92/2015/QH13, Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13, Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13, Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa số 05/2007/QH12...) để đảm bảo tính đồng bộ với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Đồng thời, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế: Rà soát, tổng hợp, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong khu vực (Malaysia, Singapore,...) và trên thế giới (Hoa Kỳ, Châu Âu, Canada, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản...).

Bộ Công Thương đã xây dựng các phiên bản dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), tổ chức các cuộc họp, hội thảo đóng góp ý kiến theo quy định. Theo đó, dự thảo Luật phù hợp với Hiến pháp, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, thống nhất, đồng bộ với với hệ thống pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bộ cũng tiến hành phân tích, đánh giá tác động của các chính sách trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đánh giá tác động thủ tục hành chính trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đối với 01 thủ tục hành chính.

Đồng thời, đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), theo đó các nội dung cụ thể về vấn đề lồng ghép bình đẳng giới được nêu trong Báo cáo kèm theo

Đặc biệt, Dự thảo Luật đã được tổ chức lấy xin ý kiến bằng văn bản của các Bộ, cơ quan nganh Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Hội Bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh, thành phố, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân liên quan, đồng thời đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Công Thương để lấy ý kiến rộng rãi (từ ngày 10 tháng 01 năm 2022).

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp thẩm định tại Văn bản số 83/BCTĐ-BTP ngày 16 tháng 5 năm 2022 và đã được Bộ Công Thương tiếp thu, giải trình tại Văn bản số 95/BC-BCT ngày 08 tháng 6 năm 2022.

Sau khi hoàn thiện, Bộ Công Thương đã có các Tờ trình số 3203/TTr-BCT ngày 08 tháng 6 năm 2022 báo cáo Chính phủ về dự án Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2022, Chính phủ đã cơ bản thống nhất quan điểm về các vấn đề lớn, thông qua và chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Ngày 2 tháng 8 năm 2022, Bộ Công Thương đã gửi toàn bộ hồ sơ dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tới Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường.

Ngày 9/8 Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đã tổ chức Hội nghị thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Theo đó, Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp tháng 8 này trước khi trình Quốc hội hội khóa XV xem xét tại Kỳ họp thứ 4.

Bố cục và nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi):

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có kết cấu 51 Điều và 06 Chương. So sánh với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có 07 chương, 80 Điều, trong đó, bổ sung mới 29 Điều khoản, sửa đổi 49 Điều khoản và giữ nguyên 02 Điều khoản (Các điều 68, 80 của Dự thảo, trong Luật hiện hành tương ứng với các Điều 39, 51).

Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2021. Một số nội dung cơ bản của Dự thảo Luật như sau:

1. Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Dự thảo Luật đã bổ sung thêm một Chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; đã sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng làm rõ người tiêu dùng chỉ là cá nhân mua, bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không vì mục đích thương mại. Việc sửa đổi nêu trên nhằm tạo căn cứ xác định chính xác người tiêu dùng trong quá trình thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi đối với nhóm người tiêu dùng có yếu tố riêng, gặp nhiều bất lợi hơn người tiêu dùng thông thường, Dự thảo Luật bổ sung quy định về khái niệm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

3. Hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng.

4. Bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù

Trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, để kịp thời điều chỉnh và tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố mới, đặc thù, Dự thảo Luật bổ sung một Chương quy định về các giao dịch đặc thù, trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.

5. Hoàn thiện quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thực hiện chủ trương tăng cường xã hội hóa trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định nhằm xác định rõ quyền, nghĩa vụ, hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bổ sung quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội khi thực hiện một số hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Nhà nước giao.

6. Hoàn thiện quy định về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh

Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về quyền của người tiêu dùng yêu cầu hỗ trợ thương lượng; hoàn thiện quy định về phương thức hòa giải, trọng tài, về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự.

7. Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Dự thảo Luật quy định rõ hơn về trách nhiệm chung và trách nhiệm quản lý ngành của Bộ Công Thương, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực được phân công quản lý và tại địa phương. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hoàng Lan
Bài viết cùng chủ đề: Người tiêu dùng

Tin cùng chuyên mục

Đồng Tháp: Một công ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục bị phong tỏa tài khoản do nợ thuế

Sơn La: Công khai danh sách 59 cá nhân nợ tiền thuế số tiền hơn 17 tỷ đồng

Lào Cai: Cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn 4 doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn

Bà Rịa – Vũng Tàu: 3 doanh nghiệp nợ thuế bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn

Thấy gì từ vụ chồng bị khởi tố vì đập vỡ điện thoại của vợ?

Thanh Hoá: Xử phạt Công ty Cổ phần Xây lắp điện và dịch vụ điện Tín Nghĩa

Tiktoker Dưỡng Dướng Dường tiếp tục bị phạt

Cần Thơ: Cưỡng chế thuế đối với Công ty Cổ phần Trung Sơn

Bạc Liêu: Công ty Vật liệu xây dựng Phúc Lộc Thọ bị cưỡng chế thuế

Phú Quốc: Đầu tư tiền tỷ cải tạo vườn hoang, bị kiến nghị phạt tội huỷ hoại đất

Thực hư thị trường cao hổ bạc tỷ - Bài 1: Những toán người bí ẩn trong ngôi nhà cổ

Thanh tra TP. Hồ Chí Minh: Công ty Công Ích quận 7 thu lợi gần 6 tỷ đồng không đúng quy định

Hà Nội: Làm rõ trách nhiệm vụ tưới xăng đốt quán cà phê khiến 11 người tử vong

Cần Thơ: Cưỡng chế thuế Công ty CP Thương mại và Đầu tư Công nghệ Ecotech Việt Nam

Hà Nội: Nghi phạm đốt quán hát khiến 11 người tử vong có 2 tiền án

Đắk Lắk: Cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn 4 doanh nghiệp nợ thuế

Lào Cai: Công khai thông tin 7 doanh nghiệp, hợp tác xã nợ thuế trên địa bàn huyện Bắc Hà

Quảng Bình: Khởi tố 7 bị can hành vi lừa đảo trên không gian mạng

Cảnh sát giao thông Đắk Lắk phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển gần 70 kg pháo hoa nổ lậu

Thanh Hóa: Bắt 5 đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán pháo nổ liên tỉnh