Thứ bảy 10/05/2025 22:49

Dự án khởi nghiệp: Trợ lực từ vốn mồi

Việc hỗ trợ nguồn vốn sẽ giúp các nhóm sinh viên hoàn thiện và hiện thực hóa các dự án khởi nghiệp hướng đến khởi tạo doanh nghiệp tạo tác động xã hội.

Hỗ trợ kinh phí thực hiện ươm tạo khởi nghiệp

Vietnam Sunny Impact Startup (VSIS) là chương trình đào tạo tăng tốc khởi nghiệp tạo tác động xã hội dành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng Việt Nam do Quỹ The Happiness Foundation thuộc Tập đoàn SK, Hàn Quốc và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tổ chức, được triển khai bởi Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (IID).

Ngày 10/5, Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (IID) tổ chức Tổng kết dự án "Tăng tốc khởi nghiệp tạo tác động xã hội" (VSIS 2024). Ảnh: Nguyễn Hạnh

Năm 2024 là năm thứ hai VSIS được tổ chức trong một chương trình tổng thể 3 năm giữa Quỹ The Happiness Foundation và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là chương trình duy nhất tăng tốc về khởi nghiệp tạo tác động dành cho sinh viên, với mục tiêu đón đầu các nhóm dự án xuất sắc tham gia Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên SV-Startup hàng năm do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Cung cấp kiến thức chuyên sâu và cung cấp vốn mồi giúp các nhóm phát triển rõ nét sản phẩm và đưa sản phẩm ra thị trường, bên cạnh việc giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường nổi cộm ở Việt Nam.

Chương trình VSIS 2024 được tổ chức từ tháng 12/2024 đến tháng 5/2025 với nhiều hoạt động như đào tạo trực tuyến, đào tạo, giao lưu và thăm quan doanh nghiệp khởi nghiệp. Mỗi nhóm được phân công ít nhất hai cố vấn khởi nghiệp đồng hành;...

Sau sự kiện diễn thuyết, trình bày ý tưởng lần 1 (được tổ chức trong tháng 3/2025), ngày 10/5/2025 diễn ra sự kiện diễn thuyết, trình bày ý tưởng lần 2 đồng thời cũng là sự kiện tổng kết chương trình và chọn ra 5 nhóm xuất sắc nhất để trao vốn mồi với tổng giá trị 160 triệu đồng.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Sinh An Việt – Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên – Bộ Giáo dục và Đào tạo – cho hay, dự án ‘Tăng tốc khởi nghiệp tạo tác động xã hội’ sau Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên là phù hợp với bối cảnh và mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên. Trang bị kiến thức và kỹ năng về khởi nghiệp trong lĩnh vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội cho sinh viên. Hỗ trợ các nhóm sinh viên hoàn thiện và hiện thực hóa các dự án khởi nghiệp hướng đến khởi tạo doanh nghiệp tạo tác động xã hội.

Dự án có rất nhiều nội dung khác nhau, trong đó, ông Nguyễn Sinh An Việt đánh giá cao các hoạt động cung cấp vốn, hỗ trợ và giám sát việc sử dụng vốn bởi các nhóm khởi nghiệp. Nội dung này là cơ sở để chúng ta hy vọng sau dự án sẽ có một số các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội được thành lập. Đó chính là kết quả đầu ra hết sức quan trọng đối với dự án và là động lực để các tổ chức, cá nhân tham khảo xây dựng các dự án với nguồn lực lớn hơn.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao sự hỗ trợ của Tổ chức The Happiness Foundation trong việc đề xuất triển khai dự án này, bởi vì đối với các hoạt động khởi nghiệp. Đây cũng là dự án đầu tiên có sự hỗ trợ kinh phí thực hiện các hoạt động ươm tạo khởi nghiệp”, ông Nguyễn Sinh An Việt nói.

4/9 dự án đăng ký thành lập doanh nghiệp

Trong năm 2024, dự án đã hỗ trợ ươm tạo 9 dự án khởi nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội của sinh viên các cơ sở đào tạo. Sau quá trình ươm tạo đã có 4 dự án được cấp vốn mồi để tiếp tục phát triển, hình thành doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại cả 4 dự án đã được đăng ký thành lập doanh nghiệp và đang nỗ lực đưa các sản phẩm ra thị trường.

Các nhóm thuyết trình dự án khởi nghiệp tạo tác động xã hội. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Mặc dù, số kinh phí không lớn, số dự án hỗ trợ không được nhiều, nhưng dự án đã thực sự tạo ra dấu ấn, tạo ra điểm nhấn đối với việc triển khai đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” ngày 30/10/2017 của Chính phủ (Đề án 1665) giai đoạn đầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TS Trương Thị Nam Thắng - Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân – nhận định, xu hướng về dự án khởi nghiệp tạo tác động xã hội chắc chắn sẽ tăng lên, nhất là với các dự án liên quan đến môi trường. Tuy nhiên, câu chuyện từ các dự án nghiên cứu đến việc thương mại hóa ra thị trường vẫn là một bài toán khó.

Điểm sáng của cuộc thi năm nay đó là Chương trình đã hỗ trợ ươm tạo 9 dự án khởi nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội của sinh viên các cơ sở đào tạo, sau quá trình ươm tạo đã có các dự án đăng ký thành lập doanh nghiệp. Điều này cho thấy, xu hướng và mức độ cam kết, năng lực của các nhóm khởi nghiệp ngày càng tăng, trong đó, có nhiều dự án khả thi.

Vì một số lý do khách quan, chương trình năm 2025 không được tiếp tục triển khai, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sinh An Việt, ngày 20/4/2025 vừa qua, Đề án 1665 đã được tổng kết và chuẩn bị cho giai đoạn mới, giai đoạn 2026-2035. Đây là giai đoạn tăng tốc trong việc thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp.

Do đó, ông Nguyễn Sinh An Việt cũng mong muốn dự án chỉ là sự kết thúc của giai đoạn một, thời gian tới, đồng thời đề nghị Lãnh đạo tập đoàn Sunny, nghiên cứu, hỗ trợ và xây dựng dự án mới ở tầm lớn hơn, quy mô hơn và hỗ trợ được nhiều dự án hơn nữa.

Ông Nguyễn Sinh An Việt cũng kỳ vọng các thầy cô, các bạn sinh viên đã được chọn tham gia dự án nêu cao tinh thần khởi nghiệp, tích cực, chủ động lĩnh hội kiến thức, hoàn thiện dự án, sử dụng tối ưu nguồn lực để các dự án sớm được hỗ trợ trở thành các /chu-de/doanh-nghiep-khoi-nghiep.topic.

9 nhóm dự án khởi nghiệp trong chương trình gồm: Nhóm PulseGuard của Trường Đại học Phenikaa với dự án áo thông minh tích hợp cảm biến nhằm theo dõi sức khỏe theo thời gian thực với các chỉ số nhịp tim, nhịp thở, thân thiện, SpO2, nhận dạng các hành động cùng với hệ thống phần mềm tạo nên nền tảng hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe.

Nhóm ALDA AI - Digital Humans của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông với dự án Dịch vụ tư vấn và thiết kế các Digital Humans theo yêu cầu của khách hàng.

Nhóm Sóng xanh - Aquaponics BkyO của Đại học Giao thông Vận tải Phân hiệu tại TP. Hồ Chí Minh với dự án cải tiến mô hình trồng rau, nuôi cá và aquaponics truyền thống phù hợp với nhu cầu tạo không gian xanh tại nhà bằng cách tích hợp các thiết bị công nghệ cao như: bộ lọc trọng lực, IoT., giúp các hộ gia đình yên tâm sử dụng bởi có đội ngũ chuyên môn lành nghề.

Nhóm BINKS - Botanical Colours của Viện Nghiên Cứu và Đào Tạo Việt - Anh, Đại học Kinh Tế - Đại học Đà Nẵng với dự án mực viết trong bút và màu vẽ từ anthocyanin, có tốc độ khô nhanh, độ bền màu cao, và giá thành rẻ hơn so với sản phẩm thị trường.

Nhóm TeleLab Explorer (T.E) của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh với dự án Giải pháp kinh doanh dịch vụ cho thuê trạm thí nghiệm thực hành điều khiển qua Internet.

Nhóm S2M - Da từ vỏ xoài của Trường Đại học Trà Vinh với dự án Sản phẩm da thân thiện từ vỏ xoài, bền, không thấm nước, công nghệ chuyên biệt, sản phẩm có khả năng tự phân hủy, đặc biệt màu sắc tự nhiên theo độ chín của xoài và nhiệt độ sấy xoài, hương thơm đặc biệt, quy trình 3 không - không rác thải; không khí thải; không nước thải.

Nhóm nghiên cứu ứng dụng chiết xuất các hợp chất tự nhiên có trong nha đam trong nghiên cứu sản xuất miếng dán gel sơ cứu bỏng nhiệt cấp độ 1,2 của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Nhóm Gạch không nung 3Y của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh với dự án gạch làm từ vỏ hàu và vỏ trấu có thể ứng dụng để sản xuất vật liệu xây dựng xanh (gạch không nung) thay thế gạch men trên thị trường hiện nay.

Nhóm SAFETYMOTO của Trường Đại học Thủy Lợi với dự án Vải bọc bảo vệ xe máy và tô tô, bao trùm lấy cả chiếc xe với chất liệu vải silica có thể chịu nhiệt lên đến 1000 độ C, đồng thời được trang bị các cảnh báo tiên tiến như: cảm biến khói, cảm biến nhiệt độ; cuối cùng, không thể thiếu đó chính là hệ thống bọt phun chống cháy và cách nhiệt.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Vòng xoay khởi nghiệp

Tin cùng chuyên mục

Trường Đại học Gia Định đón nhận kiểm định bốn ngành học

Trung tâm dạy thêm mọc như 'nấm sau mưa': Cảnh báo khoảng trống quản lý

Company Day 2025: Bệ phóng cho sinh viên bước vào ngành dầu khí

Cải tạo nhà vệ sinh cho trường học vùng sâu Yên Bái

Thi tốt nghiệp 2025: Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt

PGS.TS Tô Văn Hòa làm Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội

Doanh nghiệp và nhà trường hợp tác đào tạo nhân lực tiết kiệm năng lượng

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm: 28 năm chắp cánh ước mơ

Đại học Văn Lang bị ‘tấn công’: Không thể bao biện là “bảo vệ lẽ phải”

Học 2 buổi, ăn miễn phí: Chủ trương chạm đến triệu trái tim

Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh nhận tài trợ HVAC

Danh sách thí sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025

Ráo riết chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Chắp cánh nghề nghiệp cho học sinh vùng khó khăn của ngành Công Thương

38 trường dùng điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội

Thương mại điện tử: Trụ cột cho chuyển đổi số ngành Công Thương

Tháng 5/2025: Nhiều chính sách mới hỗ trợ trẻ em, học sinh

Phó Thủ tướng lưu ý gì về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông?

Ngành giáo dục đào tạo bước vào chặng đường mới

Môn Lịch sử dẫn đầu lựa chọn của sĩ tử trong kỳ thi THPT năm 2025