Dự án giao thông: “Tắc” vì thiếu vốn
Nhiều ngân hàng thương mại thận trọng trong việc rót vốn vào các dự án BOT giao thông |
Ngân hàng không giải ngân, dự án ngừng chuyển động
Việc nhà đầu tư Dự án cao tốc BOT Bắc Giang - Lạng Sơn xin rút khỏi dự án này sau gần một năm rưỡi triển khai cho thấy, đầu tư vào dự án giao thông không phải là “con gà đẻ trứng vàng”.
Khởi công từ tháng 10/2015 và dự kiến tháng 12/2018 hoàn thành, nhưng đến thời điểm hiện tại, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vẫn đang ì ạch giải phóng mặt bằng, các hạng mục khác trong tình trạng chờ vốn. Ngày 17/3, Bộ Giao thông vận tải có văn bản thông báo dự kiến chấm dứt hợp đồng với liên danh nhà đầu tư do Công ty Cổ phần đầu tư UDIC đứng đầu thực hiện dự án đã vi phạm Điều 14 hợp đồng BOT số 15 ngày 25/11/2016 về huy động vốn chủ sở hữu, vốn vay và Điều 57 hợp đồng dự án về bảo đảm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng.
Được biết, tính đến tháng 3/2017, liên danh nhà đầu tư này mới huy động được 550/1.294 tỷ đồng vốn chủ sở hữu theo quy định của hợp đồng BOT. Ngoài ra, toàn bộ vốn tín dụng phục vụ dự án lên tới hơn 10.000 tỷ đồng hiện mới chỉ dừng ở mức cam kết chung chung với các ngân hàng thương mại mà chưa dự kiến được thời điểm ký hợp đồng tín dụng, lộ trình giải ngân cho nguồn vốn này.
Kết cục này sẽ không làm nhiều người ngạc nhiên nếu biết rằng ngay từ giữa năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cảnh báo các ngân hàng thương mại xem xét thận trọng trong việc rót vốn vào các dự án BOT giao thông. Cơ quan này trong các văn bản điều hành thị trường tiền tệ cũng nêu rõ: Các tổ chức tín dụng (TCTd) phải thẩm định chặt chẽ các dự án BOT, BT trước khi cho vay, lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn cao, thực hiện tốt quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư và xây dựng; không xem xét các dự án có thủ tục pháp lý không đầy đủ, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định. Bên cạnh đó, Thông tư 05 của NHNN yêu cầu tất cả các TCTD hết năm 2016 phải đưa mức huy động ngắn hạn cho vay dài hạn về dưới 60%. Hết năm 2017 là 50% và từ năm 2018 trở đi là 40%. Đây cũng là nguyên nhân khiến dòng vốn ngân hàng cho các dự án giao thông phải dừng lại, kể các với các dự án đã được thẩm định nhưng cũng khó giải ngân.
Nhiều quy định chưa rõ ràng
Tại cuộc làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Giao thông vận tải mới đây, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, dự kiến số vốn ngân sách nhà nước được phân bổ giai đoạn 2016-2020 là 188.200 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 31% tổng nhu cầu phát triển giao thông trong giai đoạn này. 27 dự án quan trọng, có tính chất cấp bách sử dụng vốn ngân sách đang đối diện nguy cơ bị dừng, giãn tiến độ do thiếu vốn.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông có hạn, nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các dự án giao thông được kiểm duyệt chặt chẽ, cẩn trọng trong giải ngân thì thu hút nguồn lực từ nhiều thành phần như tư nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tham gia vào lĩnh vực này là hết sức cần thiết. Theo đó, phải nghiên cứu và đưa ra các giải pháp để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức hợp tác công tư (PPP) bởi đây là kênh huy động vốn rất quan trọng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Danh Huy- Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông vận tải) - huy động vốn PPP hiện còn nhiều vướng mắc do các văn bản, chính sách không thống nhất.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa: Hiện nguồn vốn tín dụng dài hạn trong nước đang rất khó khăn và quy mô không lớn, do đó kiến nghị Chính phủ xem xét chấp thuận chia sẻ một số rủi ro đối với các nhà đầu tư để kêu gọi nguồn vốn tín dụng nước ngoài thông qua việc cung cấp bảo lãnh doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ, trách nhiệm của Chính phủ đối với các dự án quan trọng quốc gia. |