Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng - Đỗ Tuấn Anh cho biết: Năm 2024, đơn vị được giao đầu tư 23 dự án với tổng vốn 4.756 tỷ đồng. Tuy nhiên, vướng mắc về mặt bằng khiến tiến độ thi công dự án chưa thể đẩy nhanh, dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công thấp mới đạt 40%.
Dự án đường vành đai 2, TP. Hải Phòng dự kiến khởi công cuối tháng 11/2024. Ảnh: Thu Anh |
Ông Tuấn Anh cho biết thêm: Để bảo đảm tiến độ giải ngân theo kế hoạch được giao, các tháng cuối năm, cùng với đẩy nhanh tiến độ các dự án khác, đơn vị tập trung cao thực hiện 2 dự án được giao kế hoạch vốn lớn gồm đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và đường vành đai 2; phấn đấu đến cuối tháng 11 sẽ đấu thầu thành công 2 dự án, có thể bảo đảm giải ngân hết số vốn được phân bổ.
Trong đó, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2 đoạn tuyến Tân Vũ - Hưng Đạo - đường Bùi Viện tổng chiều dài khoảng 11km, gồm các hạng mục: xây dựng đoạn từ nút giao Tân Vũ - cầu Hải Thành và đoạn Hưng Đạo - đường Bùi Viện có chiều rộng nền 37m, mặt đường 8 làn xe, dải phân cách giữa rộng 5m; xây dựng đoạn từ đường tỉnh 353 - Hưng Đạo có chiều rộng nền 68m, mặt đường 8 làn xe, dải phân cách giữa 23m... Cùng với đó là các hạng mục thoát nước mưa, điện chiếu sáng, cây xanh, vỉa hè, khu tái định cư… Tổng diện tích đất sử dụng dự án 112,68 ha. Đây là công trình giao thông nhóm A, cấp đặc biệt, tổng mức đầu tư 7.439 tỷ đồng. Dự án phấn đấu khởi công vào cuối năm 2024 và hoàn thành năm 2025.
Một trong những vướng mắc khiến công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương trên địa bàn TP. Hải Phòng chậm lại do những điều chỉnh của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024, trong khi thành phố chưa ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng như đơn giá để bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất.
Chính vì vậy, đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng dự án cầu Lại Xuân chậm tiến độ phải lùi dự kiến đến quý 1/2025 mới hoàn thành. Cụ thể, sau khi hợp long cầu chính ngày 3-9, hoạt động thi công cầu Lại Xuân gần như tạm ngừng do các nhà thầu không có mặt bằng thi công.
Tư vấn giám sát trưởng liên danh Công ty tư vấn công trình châu Á Thái Bình Dương - Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) Phạm Văn Chỉnh cho biết, công tác giải phóng mặt bằng cả 2 bờ phía huyện Thủy Nguyên và thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) chưa hoàn thành; phía huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng diện tích 9.800 m2 đất Trại giam Xuân Nguyên để thi công 3 trụ và 700 m đường dẫn chưa được bàn giao. Hiện, dự án chậm tiến độ 6 tháng so với kế hoạch. Do thi công cầm chừng nên khối lượng thực hiện tăng chậm, nếu tháng 7 là 62%, đến nay ước đạt 67% kế hoạch. Không có khối lượng, nhà thầu không thể giải ngân vốn cho công trình trong khi máy móc thiết bị, nhân công vẫn duy trì, rất lãng phí.
Hay dự án xây dựng tuyến đường từ đường tỉnh 354 huyện Tiên Lãng đến quốc lộ 10 huyện Vĩnh Bảo cũng là một những trong dự án đang gặp nhiều vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Được khởi công từ cuối tháng 3/2024, gói thầu xây dựng cầu Tiên Thanh qua sông Thái Bình triển khai hạng mục dưới nước và gần bờ, gói thầu thi công đường chưa triển khai do thiếu mặt bằng. Cán bộ tư vấn giám sát thuộc liên danh Công ty CP tư vấn xây dựng công trình Thăng Long và Công ty tư vấn kỹ thuật xây dựng Hồng Hà - Nguyễn Thế Hoàng cho biết, do chưa được bàn giao mặt bằng nên nhà thầu chưa triển khai thi công đoạn đường hơn 1,6 km từ cầu Tiên Thanh (phía huyện Vĩnh Bảo) đến quốc lộ 10.
Có thể nói “nút thắt” về mặt bằng đang khiến hầu hết dự án giao thông, trong đó có cả những công trình trọng điểm kết nối vùng, liên vùng chung tình trạng chậm tiến độ. Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông Hải Phòng - Đỗ Tuấn Anh khẳng định: Các công trình giao thông không thiếu vốn mà chỉ thiếu mặt bằng.
Trước sức ép về mặt bằng thi công, cuối tháng 9 vừa qua, sau nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng không chấp hành, UBND huyện Vĩnh Bảo tổ chức cưỡng chế đối với hộ dân tại xã Đồng Minh do không bàn giao mặt bằng thực hiện dự án cầu vượt sông Hóa. Sự quyết liệt đó tiếp tục được duy trì khi huyện Vĩnh Bảo xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức cưỡng chế đối với 8 hộ dân tại xã Vĩnh An để thực hiện dự án tuyến đường nối từ đường tỉnh 354 huyện Tiên Lãng đến quốc lộ 10 huyện Vĩnh Bảo.
Ban cưỡng chế quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với 1 hộ dân thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi. Ảnh: Thu Anh |
Ngày 24/10, UBND quận Ngô Quyền tổ chức cưỡng chế đối với các trường hợp không chấp thuận bàn giao mặt bằng theo quy định để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận. Qua kiên trì tuyên truyền, vận động, đến 8 giờ sáng 24/10, thời điểm dự kiến cưỡng chế, 2 tổ chức và 18/19 hộ gia đình, cá nhân đồng thuận ký biên bản bàn giao mặt bằng. UBND quận chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân di chuyển tài sản. Chiều cùng ngày, 1 hộ còn lại tại khu vực đường Nguyễn Trãi vẫn không chấp hành nhận tiền và bàn giao mặt bằng, UBND quận triển khai phương án cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật. Công tác cưỡng chế diễn ra nhanh gọn, bảo đảm an ninh trật tự và không có người chống đối thi hành công vụ phải xử lý.
Để tháo gỡ nhanh vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công các công trình giao thông, từ nay đến cuối năm 2024, UBND thành phố yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư hằng tuần, tháng tổng hợp tiến độ giải ngân từng dự án; Văn phòng UBND thành phố, Sở Giao thông - Vận tải tham mưu lãnh đạo UBND thành phố kiểm tra định kỳ tiến độ công trình, dự án để tháo gỡ kịp thời vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ gắn với giải ngân vốn đầu tư công; cũng như kiên quyết điều chuyển, tăng vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án cần vốn, dự án có khả năng giải ngân tốt hơn.