Chủ nhật 20/04/2025 22:55
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV:

Dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4: Cần cam kết bảo đảm tiến độ, chất lượng

Chính phủ và các địa phương cần cam kết trách nhiệm bảo đảm tiến độ, chất lượng cho Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội cũng đã được dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011-2020.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là sự hạn chế về nguồn lực nên chưa có điều kiện để triển khai trong giai đoạn này. Đến nay, các điều kiện về cơ sở pháp lý, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhu cầu thực tiễn và nguồn lực cơ bản đáp ứng yêu cầu, do vậy, việc triển khai thực hiện Dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 là hợp lý và cần thiết.

“Việc đầu tư hoàn thành 02 dự án này sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng, phù hợp với Quy hoạch giao thông quốc gia; giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị; giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thông tin sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, đối với Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư để thực hiện đầu tư Dự án. Trong đó bao gồm: Ngân sách Trung ương: 28.173 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 28.193 tỷ đồng; vốn BOT: 29.447 tỷ đồng.

Đối với Dự án đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 75.378 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư Dự án. Trong đó bao gồm: Ngân sách Trung ương: 38.741 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 36.637 tỷ đồng.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Uỷ ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư 2 Dự án với những lý do đã nêu tại Tờ trình Chính phủ nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua và phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó yêu cầu “khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh”.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc cùng một thời gian, trong đó tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn, do đó sẽ khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Theo đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu... để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho 2 Dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai.

"Chính phủ và các địa phương cần cam kết trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng cho 2 Dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai" - ông Vũ Hồng Thanh nêu.

Về sơ bộ tổng mức đầu tư, theo ông Vũ Hồng Thanh, có ý kiến đề nghị làm rõ việc tính toán về sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần cũng như toàn bộ 2 Dự án, bổ sung, làm rõ hơn về cơ cấu chi phí và suất đầu tư đối với các đoạn của 2 Dự án và so sánh với các dự án tương tự.

"Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến nêu trên. Ủy ban Kinh tế đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, chuẩn xác tổng mức đầu tư 2 Dự án để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí theo quy định" - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết.

Về phân chia các Dự án thành các dự án thành phần theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và giao cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với việc phân chia các Dự án thành các dự án thành phần.

Song đề nghị cần cụ thể hóa trách nhiệm “đầu mối” của Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tại dự thảo Nghị quyết của các Dự án khi quy định pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm cũng như trách nhiệm, quyền hạn cụ thể về vai trò này.

Đồng thời, do các dự án thành phần sẽ giao các địa phương tổ chức thực hiện nên có thể dẫn đến mỗi cơ quan tổ chức một cách khác nhau, không bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất và có thể dẫn đến tăng tổng mức đầu tư của các Dự án, vì vậy đề nghị giao cho một cơ quan có năng lực, kinh nghiệm thực hiện công tác thẩm định cho các dự án thành phần của 2 Dự án.

Quỳnh Nga - Lan Anh

Tin cùng chuyên mục

Nhân sự cấp tỉnh, xã khi sáp nhập sẽ được chỉ định, bổ nhiệm

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Sau 30/6 chính quyền cấp xã đi vào vận hành

Thủ tướng: Các công trình biểu tượng sẽ định vị hình ảnh, thương hiệu Việt Nam

Thủ tướng đề nghị nhân rộng việc đi máy bay không cần mang giấy tờ

Khởi công Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ của Vingroup

Thủ tướng dự lễ khánh thành Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Bình Thuận khánh thành 2 dự án giao thông chiến lược

Thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Công Thương nhân Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4/2008 - 20/4/2025)

Chủ tịch Quốc hội: Có thể miễn học phí cho hệ dân lập, tư thục

Chính phủ 'chốt' thời gian khởi công, khánh thành công trình trọng điểm

'Lỗ hổng' quản lý thực phẩm sữa: Bài 3 - Người nổi tiếng và trách nhiệm khi quảng cáo

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ góp tiếng nói thúc đẩy đàm phán sớm đạt kết quả

Thủ tướng:Sửa 5 luật, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế

Đề xuất giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử

Làm rõ nguyên nhân tai nạn lao động tại Khu công nghiệp Đất Cuốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tạo động lực mới từ cải cách thể chế

Vì sao cần sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc?

Thủ tướng: Phong trào thi đua hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 mang lại hiệu quả cao

Pháp sẽ thúc đẩy EC gỡ bỏ Thẻ vàng IUU đối với thủy hải sản của Việt Nam

'Thúc' tiến độ Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2