Dự án đường dây và trạm biến áp 110kV gần 112 tỷ đồng ở Thanh Hóa về tay doanh nghiệp nào?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm vừa ký Quyết định số 4066/QĐ-UBND về việc “Chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án đường dây và trạm biến áp 110kV Vĩnh Lộc tại thị trấn Vĩnh Lộc, xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc, xã Yên Phong, huyện Yên Định”.
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án đường dây và trạm biến áp 110kV Vĩnh Lộc tại thị trấn Vĩnh Lộc, xã Ninh Khang (huyện Vĩnh Lộc), xã Yên Phong (huyện Yên Định) cho nhà đầu tư là Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, địa chỉ trụ sở chính, số 20 Trần Nguyên Hãn, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Dự án đường dây và trạm biến áp 110kV Vĩnh Lộc sẽ được Tổng Công ty Điện lực miền Bắc triển khai trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm được Nhà nước bàn giao đất. Ảnh: EVN. |
Dự án đường dây và trạm biến áp 110kV Vĩnh Lộc tại thị trấn Vĩnh Lộc, xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc, xã Yên Phong, huyện Yên Định sẽ được triển khai đường dây 110 kV, xây dựng mới khoảng 6,315 km đường dây mạch kép đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 110kV Thiệu Yên - Ngọc Lặc, sử dụng dây dẫn ACRS300/39; Trạm biến áp 110 kV sẽ có công suất 1x40+1x63 MVA, giai đoạn này lắp MBA T1 40MVA. Trang bị hệ thống thu thập, đo đếm, giám sát và điều khiển từ xa,… cho phép kết nối, trao đổi giao thức truyền tin với Trung tâm điều khiển xa khu vực. Xây dựng hệ thống camera giám sát, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo trạm biến áp 110kV đưa vào vận hành theo chế độ TBA điều khiển xa. Lắp đặt các tủ xuất tuyến 35kV, 22kV đấu nối lưới điện khu vực.
Dự án sẽ được triển khai trên diện tích chiếm đất phần trạm biếp áp khoảng 6.159 m2; diện tích chiếm đất móng cột đường dây 110kV khoảng 4.155,5 m2; diện tích hành lang tuyến đường dây 110kV khoảng 94.725 m2.
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 111.775 triệu đồng (gần 112 tỷ đồng). Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 37.416 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 33,4% tổng vốn đầu tư), vốn vay ngân hàng thương mại là 74.359 triệu đồng đồng (chiếm tỷ lệ 66,6% tổng vốn đầu tư).
Theo tiến độ, dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào hoạt động trong thời gian 12 tháng kể từ thời điểm được Nhà nước bàn giao đất.
Để dự án triển khai theo đúng tiến độ, đúng quy định hiện hành, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn nhà đầu tư lập hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất, hồ sơ thuê đất và tham mưu cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất; quyết định cho thuê đất, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc hoàn thiện hồ sơ và thực hiện quy trình thủ tục lập hồ sơ môi trường của dự án theo quy định; thực hiện tuân thủ các quy định về bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, khoáng sản (nếu có) trong quá trình triển khai dự án.
Tỉnh Thanh Hóa giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn nhà đầu tư trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án, bảo đảm an toàn, phát huy tối đa vai trò, hiệu quả đầu tư dự án và phù hợp mục đích truyền tải trong hệ thống điện quốc gia; tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với dự án trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư và quản lý khai thác theo quy định của pháp luật.
Giao UBND huyện Vĩnh Lộc, UBND huyện Yên Định cập nhật dự án vào các quy hoạch có liên quan, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, để đảm bảo tính thống nhất với Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại các văn bản liên quan về xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên khu đất thực hiện dự án, làm cơ sở để triển khai thực hiện các bước tiếp theo của dự án theo quy định. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp phát sinh vướng mắc của dự án làm ảnh hưởng đến các tổ chức, cá nhân trong khu vực đường điện đi qua.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ đối với việc đầu tư dự án của Tổng Công ty điện lực miền Bắc theo quy định; chỉ đạo Tổng Công ty điện lực miền Bắc tổ chức thực hiện quản lý đầu tư dự án đảm bảo hiệu quả đầu tư, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư dự án theo quy định của pháp luật và báo cáo kịp thời về các sai phạm (nếu có) và thực hiện đầy đủ theo chức năng nhiệm vụ đối với quá trình thực hiện đầu tư dự án.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, một lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc cho biết: Huyện đã nhận được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối dự án đường dây và trạm biến áp 110kV Vĩnh Lộc. Huyện sẽ tích cực phối hợp với các sở có liên quan cũng như chủ đầu tư để hoàn thiện các thủ tục, sớm triển khai dự án và đưa vào sử dụng đúng tiến độ. Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần cung ứng thêm nguồn năng lượng điện cho người dân, cũng như đáp ứng nhu cầu về điện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.