Dự án điện gió gặp khó
Tại cuộc Tọa đàm trực tuyến "Dự án điện gió Việt Nam: Hệ quả pháp lý của tác động Covid-19 đối với hợp đồng EPC", do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận và các bên liên quan tổ chức mới đây, ông Bùi Văn Thịnh - Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận - cho biết: Cuối năm 2020, Việt Nam mới có 500 MW công suất điện gió được lắp đặt và vận hành; đến hết năm 2021, đã có 4.200 MW điện gió đi vào vận hành, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia điện gió ở Đông Nam Á.
Điện gió có nhiều tiềm năng phát triển |
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 năm 2021 diễn biến phức tạp, khiến khoảng 30% các dự án điện gió với tổng công suất lắp đặt khoảng 2.000 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 3 - 4 tỷ USD của các chủ đầu tư đã bị chậm tiến độ, không thể hoàn thành đưa vào vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021. Chủ đầu tư các dự án này đang gặp rất nhiều khó khăn, không biết doanh thu ra sao do không được hưởng giá bán điện ưu đãi theo chính sách của Chính phủ, mà còn vướng các tình huống pháp lý có thể dẫn đến tranh chấp thực hiện hợp đồng EPC (mua bán vật tư thiết bị, thi công)...
Ông Nguyễn Hoàng Sơn - Giám đốc Dự án Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Khang Đức - cho biết: Công ty đã thực hiện thi công lắp đặt 8 dự án điện gió tại Việt Nam từ năm 2019. Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã khiến có dự án theo kế hoạch hoàn thành lắp đặt trong 3 tháng, nhưng thực tế đã phải kéo dài tới 6 tháng mới xong, chi phí tăng cao.
Tương tự, Tổng giám đốc điện gió Surpro Bến Tre - ông Hoàng Giang - chia sẻ: Tác động từ các biện pháp hành chính phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến một số dự án điện gió chậm tiến độ, không thể hoàn thành vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021. Chậm tiến độ, không được hưởng ưu đãi giá bán điện theo hợp đồng với EVN, công ty đang gặp khó. Một số địa phương đã kiến nghị Chính phủ xem xét cho gia hạn thời gian hoàn thành vận hành thương mại đối với các dự án điện gió bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ vẫn chưa có ý kiến.
Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia tầm nhìn dài hạn đến năm 2045 đã định hướng các chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển năng lượng, ưu tiên phát triển điện gió... Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC - cho rằng, cần xây dựng được chiến lược khoa học hơn không chỉ về kỹ thuật mà cả về pháp lý để thúc đẩy các dự án, công trình năng lượng (bao gồm các dự án điện gió) đảm bảo triển khai an toàn, chất lượng, hiệu quả. Các chủ thể tham gia thực hiện dự án điện gió, bên cạnh thực hiện quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận, cần dự báo các rủi ro trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng để cùng có giải pháp phòng, tránh, hoặc giải quyết kịp thời khi phát sinh tình huống...
Phó Giáo sư Tiến sỹ ĐỖ VĂN ĐẠI - Trưởng Khoa Luật dân sự Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh: Hợp đồng mua bán điện gió giữa các chủ đầu tư dự án với EVN dựa trên văn bản quy định về chính sách của Chính phủ; chủ đầu tư và EVN không thể thỏa thuận điều chỉnh nội dung mà phải có ý kiến của Chính phủ cho phép mới điều chỉnh được. |