Nâng cao nhận thức
Báo cáo tại Hội thảo “Tham vấn các cơ chế hỗ trợ và tài chính ưu đãi cho đầu tư hiệu quả năng lượng tại các cơ sở công nghiệp”, do Bộ Công Thương và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch tổ chức mới đây cho thấy, hiệu quả tổng thể về tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp còn thấp, chưa tương xứng tiềm năng. Công nghiệp vẫn là lĩnh vực tiêu tốn nhiều năng lượng khi chiếm 54% nhu cầu năng lượng vào năm 2018, tăng gấp bốn lần kể từ năm 2000, và hiện chiếm 60% tổng lượng điện tiêu thụ.
Hiệu quả năng lượng là công cụ giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh |
Theo ông Hoàng Văn Tâm- Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), các cơ chế hỗ trợ và tài chính ưu đãi là chất xúc tác quan trọng giúp thúc đẩy các dự án HQNL. Tuy nhiên, các cơ sở công nghiệp lại không dễ dàng khi triển khai thực hiện. Các thách thức chính trong đầu tư HQNL đối với lĩnh vực công nghiệp đã được các chuyên gia tại hội thảo chỉ ra. Đó là các thách thức liên quan đến nhận thức, kiến thức và hạn chế của chủ doanh nghiệp về HQNL; các dự án HQNL có thể mang lại lợi nhuận thấp; độ phức tạp và tính rủi ro đầu tư HQNL cao; thiếu lựa chọn tài chính khả thi về mặt thương mại... Ngoài ra, mạng lưới dịch vụ năng lượng chưa phát triển, giá điện so với mặt bằng chung chưa thực sự gây áp lực lên chi phí sản xuất... khiến đầu tư HQNL chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức.
Thêm cơ chế thúc đẩy
Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chương trình hợp tác thí điểm về thúc đẩy HQNL, điển hình như: Thúc đẩy tiết kiệm trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE, 2019-2024); tiết kiệm năng lượng (TKNL) cho ngành công nghiệp Việt Nam (WB-VEEIE, 2018-2022)… đều cung cấp những gói hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho doanh nghiệp thực hiện giải pháp TKNL, kiểm toán năng lượng, ESCO... Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang nhận được nhiều chính sách khuyến khích thực hiện HQNL thông qua biểu giá điện hỗ trợ (FIT) cho năng lượng tái tạo, cơ chế phát triển sạch hay cơ chế tín chỉ chung.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Anh - chuyên gia tư vấn độc lập, Công ty tư vấn quốc tế RCEE-NIRAS (Đan Mạch), Việt Nam nên cân nhắc một cơ chế thỏa thuận tự nguyện (VA) thí điểm trong lĩnh vực công nghiệp. Điển hình, trong khuôn khổ Dự án GEF/WB "TKNL và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam", Bộ Công Thương và bảy doanh nghiệp đã ký kết các thỏa thuận, từ đó thực hiện nhiều nỗ lực tăng HQNL, giảm chi phí sản xuất.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các chương trình quốc gia như VA đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy đầu tư HQNL. Hiện nay VA đã được triển khai ở hơn 30 quốc gia và được đánh giá là biện pháp chính sách hiệu quả về chi phí, mang lại lợi ích cho các ngành kinh tế và xã hội. Điển hình tại Đan Mạch, các công ty tham gia VA tự nguyện được hoàn thuế năng lượng, tạo ưu thế cạnh tranh. Trong giai đoạn từ 2015-2021, hơn 100 doanh nghiệp lớn chiếm 2/3 tổng lượng tiêu thụ điện trong ngành sản xuất đã tham gia chương trình VA tự nguyện.
Chuyên gia tư vấn Carsten Glenting cho rằng, bối cảnh hiện tại các cơ sở sản xuất của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để triển khai VA trong lĩnh vực công nghiệp khi đã có thử nghiệm và đạt được một số thành công nhất định. Các hành lang pháp lý nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giảm phát thải KNK, thúc đẩy phát triển thị trường carbon sẽ là cú huých mạnh để các doanh nghiệp nhập cuộc tích cực hơn trong thời gian tới.