Dự án cao tốc Bắc – Nam: Kiểm toán sớm giúp tháo gỡ khó khăn
Vai trò quan trọng của kiểm toán
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được xác định là trục đường bộ “xương sống” của đất nước trong thời kỳ mới. Việc đầu tư, đưa vào khai thác toàn tuyến sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng XIII đề ra là đến năm 2025, tổng chiều dài đường cao tốc cả nước đạt 3.000 km; đến năm 2030, cả nước phải có ít nhất 5.000 km cao tốc.
Với tinh thần đó, ngay khi chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đang được triển khai, ngày 11/1/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2).
Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có tổng chiều dài 729 km, chia thành 12 dự án thành phần, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố với sơ bộ tổng mức đầu tư là 146.990 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Nhờ công tác chuẩn bị từ sớm, thời gian cho giai đoạn chuẩn bị dự án được rút ngắn, ngày 1/1/2023, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần tại 12 vị trí.
Với tinh thần đồng hành, sẻ chia cùng ngành giao thông vận tải, Kiểm toán nhà nước đã vào cuộc từ sớm để kịp thời phát hiện bất cập, vướng mắc, tư vấn, kiến nghị chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư, thiết kế, thi công dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả; kiến nghị ngành chức năng tháo gỡ vướng mắc, bất cập; cũng như cung cấp thông tin cho hoạt động giám sát của Quốc hội đối với dự án giao thông trọng điểm này.
Các đại biểu tham gia Tọa đàm “Vượt nắng, thắng mưa” |
Chia sẻ tại Tọa đàm “Vượt nắng, thắng mưa” đưa cao tốc Bắc - Nam về đích” do Báo Kiểm toán tổ chức, ông Vũ Duy Bắc - Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành IV - cho biết, xác định vai trò quan trọng của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thời gian qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, Kiểm toán nhà nước đã chủ động trình ý kiến của Kiểm toán nhà nước để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Trong đó, Kiểm toán nhà nước đã có ý kiến về sự cần thiết đầu tư dự án; sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan; về tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ áp dụng; về thiết kế sơ bộ, sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; về tổ chức thực hiện dự án, tiến độ thực hiện dự án… Kiểm toán nhà nước đã góp phần giúp các đơn vị hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và dự án được triển khai sớm hơn…
Tập trung đánh giá về thực hiện cơ chế đặc thù của dự án
Ngay từ năm 2023, Kiểm toán nhà nước đã đưa vào kế hoạch kiểm toán trung hạn, Kế hoạch kiểm toán năm 2024 có tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Năm 2024, Kiểm toán nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán 11/12 dự án thành phần, năm 2025 sẽ kiểm toán một dự án thành phần còn lại.
Kiểm toán nhà nước tiếp tục xác định những trọng yếu kiểm toán, trong đó song song với kiểm toán xác nhận chi phí đầu tư; đánh giá tuân thủ pháp luật, Kiểm toán nhà nước sẽ tập trung đánh giá về thực hiện cơ chế đặc thù của dự án đã được Quốc hội, Chính phủ chấp thuận; những thuận lợi, vướng mắc trong áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù; đánh giá chi tiết tiến độ thực hiện các gói thầu, dự án, gắn với những nguyên nhân cụ thể ảnh hưởng đến tiến độ dự án…
Từ kết quả khảo sát, kiểm toán đối với một số dự án thành phần, ông Vũ Duy Bắc cho biết, một trong những kết quả nổi bật trong triển khai Dự án giai đoạn 2021-2025, đó là các dự án được triển khai với tiến độ nhanh và đảm bảo hơn so với giai đoạn trước. Công tác chuẩn bị dự án được thực hiện từ sớm, chủ động hơn, bảo đảm được triển khai nhanh nhất.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực, qua khảo sát, thu thập thông tin kiểm toán và kết quả kiểm toán bước đầu đối với một số dự án cho thấy, đến nay, tiến độ chung của một số dự án thành phần đang trong thời gian tiến độ được duyệt theo quyết định đầu tư; nhưng so sánh khối lượng thi công các gói thầu xây lắp thì đang chậm so với tiến độ chi tiết của hợp đồng nhiều tháng.
Liên quan đến việc kiểm toán đánh giá hiệu quả triển khai cơ chế đặc thù, dù đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện dự án song việc triển khai tổ chức thực hiện một số nội dung đặt ra trong Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ còn có những khó khăn và bất cập. Nổi cộm là việc xác định vật liệu đắp, giá vật liệu tại mỏ.
Bên cạnh đó, đến nay, các địa phương chưa xác định được chi phí liên quan đến cấp mỏ cũng như chi phí liên quan đến việc khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù, dẫn đến các ban quản lý dự án chỉ tạm thanh toán theo giá hợp đồng cho nhà thầu và cũng chưa đủ cơ sở để Kiểm toán nhà nước xác nhận chi phí đầu tư đó.
Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành IV mong muốn Bộ Giao thông vận tải, các Ban quản lý dự án và đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước để triển khai dự án tốt hơn, tuân thủ quy định pháp luật; đồng thời, rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông nói riêng cũng như triển khai các dự án nói chung, bảo đảm nguồn lực đầu tư được sử dụng hiệu quả nhất.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Thế Minh - Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải mong muốn qua quá trình kiểm toán, ngoài việc chỉ ra những sai sót, bất cập trong quá trình triển khai dự án để các đơn vị liên quan rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời, Kiểm toán nhà nước đồng hành cùng Bộ Giao thông vận tải kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có chỉ đạo tháo gỡ sớm nhất các khó khăn, vướng mắc đã được chỉ ra qua kiểm toán, sớm hoàn thiện quy định pháp luật để thuận lợi hơn trong việc triển khai các dự án sau này.