Mười lăm năm qua, tỉnh Đồng Tháp chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT). Từ con số khiêm tốn 44,32% vào năm 2009, tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh đã tăng lên đáng kể, đạt 93,37% vào năm 2023, vượt 0,62% chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2022 - 2025 mà Thủ tướng Chính phủ giao.
Ước tính năm 2024 có hơn 1,5 triệu người tham gia BHYT, tăng hơn 800 nghìn người so với năm 2009, tăng 51,87% so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 38-CT/TW, đạt tỷ lệ bao phủ là 93,75% dân số, cao hơn mức bình quân của cả nước.
Nhà tài trợ trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Tam Nông (Ảnh: Báo Đồng Tháp) |
Trong đó, tại huyện Tháp Mười, tỷ lệ bao phủ BHYT giai đoạn 2009 - 2014 đạt 55,18% dân số; tuy nhiên, đến năm 2023, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã đạt 95,32% dân số. Tương tự, trên địa bàn TP. Sa Đéc cũng ghi nhận kết quả ấn tượng, số người tham gia BHYT liên tiếp tăng hàng năm: năm 2009 là 50 nghìn người, đạt tỷ lệ bao phủ 46,25% dân số; tới năm 2024, ước tính có hơn 100 nghìn người tham gia BHYT, đạt 94,29% dân số.
Những thành tích đáng khích lệ trong việc triển khai BHYT nêu trên của tỉnh Đồng Tháp đến từ việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Thông tin tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, bà Huỳnh Nguyễn Phương Oanh - Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó có việc trích từ ngân sách địa phương để hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng yếu thế như hộ nghèo đa chiều, hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên.
Việc đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của mỗi địa phương, đơn vị đã tạo ra một động lực mạnh mẽ để các cấp, các ngành cùng chung tay thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Nhờ những giải pháp này, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh đã không ngừng tăng lên, góp phần đảm bảo quyền được hưởng dịch vụ y tế cho mọi người dân.
Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia bảo hiểm, Đồng Tháp đã xây dựng một mạng lưới thu rộng khắp, bao gồm 5 tổ chức được uỷ quyền, 627 điểm thu và 729 nhân viên thu. Nhờ đó, người dân ở mọi xã, phường, thị trấn đều có thể dễ dàng tiếp cận các điểm thu để thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm.
Song song với việc gia tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, nhu cầu sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) bằng BHYT của người dân Đồng Tháp cũng tăng đáng kể. Năm 2023, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 3,7 triệu lượt KCB BHYT, tăng 31,21% so với năm 2009. Đặc biệt, các cơ sở y tế tuyến huyện cũng tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân, từ con số 944 nghìn lượt KCB BHYT năm 2009 đã tăng lên hơn 1,6 triệu lượt vào năm 2023, tức tăng 75% sau 14 năm. Chi phí thanh toán KCB BHYT năm 2023 là 1.183 tỷ đồng, cao hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2009.
Hiện, trên toàn tỉnh có 28 cơ sở KCB, bao gồm 24 bệnh viện và 4 phòng khám đa khoa. Trong đó, tuyến tỉnh có 10 bệnh viện công lập, đa phần là các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, cùng với 6 bệnh viện tư nhân. Riêng tuyến huyện, đã có 12 cơ sở KCB, bao gồm 8 đơn vị có giường bệnh nội trú và 143 trạm y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc.
Tất cả các cơ sở này đều đã được trang bị đầy đủ thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Đặc biệt, việc thực hiện khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại tất cả các cơ sở KCB đã giúp giảm gánh nặng kinh tế cho người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Ông Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp đánh giá, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cả hệ thống chính trị phải tiếp tục phát huy kết quả, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tham gia BHYT toàn dân.
Trước nhu cầu KCB ngày càng tăng, các cấp, các ngành liên quan cần đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, bổ sung nguồn nhân lực cho các cơ sở y tế; tăng cường giải pháp đảm bảo cho quỹ BHYT, quản lý chặt các đối tượng để vận động tham gia BHYT bảo đảm đạt tỷ lệ cao, các doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm tham gia BHYT đầy đủ cho người lao động…
Bên cạnh tuyên truyền vận động, các ngành, các cấp phải chú ý tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện pháp luật, chính sách về BHYT, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả… Ngành y tế, BHXH tỉnh phải chủ động tham mưu UBND tỉnh các giải pháp giải quyết các khó khăn, định hướng đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ sát tình hình; có giải pháp ngăn ngừa các hành vi tiêu cực trong thực hiện BHYT…