Theo đó, Bình Dương đã ban hành Kế hoạch về việc khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới từ ngày 16/9 theo 3 giai đoạn. Trong đó, triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN phục hồi sản xuất, tránh để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước và trên thế giới.
Doanh nghiệp các tỉnh, thành Đông Nam bộ đang từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh |
Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho DN tái khởi động sản xuất ngay, chính quyền Bình Dương cho phép DN hoạt động theo mô hình “3 xanh”, “3 tại chỗ” chuyển sang “3 xanh” và DN đã đăng ký hoạt động theo mô hình “3 xanh” hay mô hình “3 tại chỗ linh hoạt” xây dựng phương án hoạt động kèm phương án phòng chống dịch gửi cho cơ quan chức năng rồi DN triển khai hoạt động, cơ quan chức năng sẽ thực hiện hậu kiểm sau.
Sau hơn một tháng phục hồi sản xuất kinh doanh, các DN trong các KCN của tỉnh đã nhanh chóng tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến nay, đã có gần 1.970 DN (đạt trên 96%) trong các khu công nghiệp của Bình Dương khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Số lượng công nhân, người lao động trở lại làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp gần 373 nghìn người, đạt 76,38%. Trong đó, mô hình “3 xanh” có gần 285 ngàn lao động, mô hình “3 tại chỗ” hơn 44 nghìn lao động và mô hình “3 tại chỗ linh hoạt” có gần 43.200 công nhân, người lao động.
Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, sau gần một tháng mở cửa, phục hồi nền kinh tế, có hơn 1.300 công ty, nhà máy trong các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) của thành phố đã mở cửa trở lại và đạt hơn 92%. Riêng Khu công nghệ cao (KCNC) TP. Hồ Chí Minh, có 85 DN hoạt động trở lại, đạt 100%. Tính đến nay, có hơn 230 nghìn công nhân, người lao động tại các KCN, KCX và KCNC đã trở lại làm việc, đạt khoảng 70%. Nhằm đảm bảo sản xuất an toàn, các công ty chưa thể tăng hết công suất hoạt động theo quy định phòng chống dịch. Tuy nhiên, nhiều nhà máy, xí nghiệp đang từng bước mở rộng quy mô sản xuất, số lượng công nhân kỳ vọng sẽ tăng nhanh trở lại trong thời gian tới.
Tại Đồng Nai, sau khi có chính sách mở cửa phục hồi kinh tế, đã có hàng trăm DN trong các KCN trên địa bàn Đồng Nai đăng ký mới, bổ sung lao động để từng bước phục hồi sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Hiện toàn tỉnh có gần 1.600 DN đang hoạt động với tổng số hơn 497 nghìn công nhân, người lao động, đạt tỷ lệ 92%. Trong đó, có hơn 400 DN thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” với 41.300 lao động đi về hàng ngày. Dự kiến, trong tháng 10/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất khẩu sẽ tăng.
Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, sau hơn một tháng áp dụng Chỉ thị 15 (ngày 23/9), tỉnh đã từng bước khôi phục hoạt động sản xuất theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, đã có nhiều DN trong và ngoài các KCN đăng ký tái hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại. Đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 11.400 DN đang hoạt động, trong đó có gần 500 DN hoạt động trở lại. Riêng trong các KCN, có 33 DN mở cửa hoạt động trở lại với hơn gần 15.000 công nhân, người lao động, nâng tổng số DN đang hoạt động trong các KCN lên hơn 300 DN.
Với tỉnh Tây Ninh, để duy trì thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, nhất là không để đứt gãy chuỗi sản xuất, ngay từ đầu tháng 9/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN phục hồi sản xuất kinh doanh, UBND tỉnh đã có phương án tổ chức đưa, đón người lao động từ các tỉnh, thành phố di chuyển đến làm việc. Đến nay, Tây Ninh đã có thêm 657 DN với hơn 26 nghìn lao động hoạt động trở lại, chiếm 70%. Riêng trong các KCN có hơn 200 DN với gần 67 nghìn lao động đang hoạt động.
Nhìn chung, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các tỉnh thành Đông Nam bộ cơ bản được kiểm soát, song vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó các địa phương xác định phải thích nghi “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” nhằm đảm bảo duy trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa. Qua đó, từng bước lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2021.